Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho hay, 6 tháng cuối năm nay, giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm BĐS sẽ dẫn đầu. Ảnh: Bảo Tín |
DN khất nợ, trái chủ lo lắng
Rất nhiều DN BĐS đã và chưa niêm yết trên sản chứng khoán đang phải chọn giải pháp xin chậm thanh toán các khoản trái phiếu đến hạn do chưa thu xếp được tài chính. Đây là những lô trái phiếu được phát hành thành công ít nhất một năm trước đó, với giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Đơn cử như mới đây, Công ty CP Fuji Nutri Food đưa ra lý do chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán để xin "gác lại" khoản đáo hạn 23 tỷ đồng tiền lãi của lô trái phiếu FNFCH2124001 trị giá 720 tỷ đồng, phát hành ngày 18/3/2021 với kỳ hạn 3 năm, lãi suất thực tế 11,5%/năm cho kỳ tính lãi đầu tiên. Trước đó, Fuji Nutri Food phát hành lô trái phiếu này nhằm góp vốn theo hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty CP Địa ốc Ngân Hiệp, liên quan đến việc đầu tư xây dựng Dự án Khu du lịch Ngân Hiệp 2 - Hồ Tràm.
Bên cạnh những DN phát hành trái phiếu đã đạt được thỏa thuận khất nợ, vẫn còn không ít DN sắp đến kỳ hạn phải thanh toán cả gốc lẫn lãi, nhưng trái chủ vẫn lo không biết có lấy lại tiền được không như trường hợp Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông, thành viên của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (DN có liên quan đến bà Trương Mỹ Lan đang vướng vòng lao lý) có lượng trái phiếu đáo hạn trong tháng 9 này gần 15.000 tỷ đồng.
Tổng hợp dữ liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho hay, 6 tháng cuối năm nay, giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm BĐS sẽ dẫn đầu, với 80.952 tỷ đồng, chiếm 51% trên tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là khoảng 158.500 tỷ đồng.
Theo Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), phần lớn các DN lựa chọn phát hành theo hình thức phát hành riêng lẻ, vì để phát hành qua công chúng (IPO) và quốc tế, DN cần đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe với chi phí cao hơn. Việc các DN đẩy mạnh phát hành trái phiếu giai đoạn 2019 - 2021 làm gia tăng áp lực đáo hạn vào năm 2022 - 2026, đặc biệt là giai đoạn 2023 - 2024.
Khả năng thanh toán đến đâu?
Đứng trước bối cảnh khó khăn chồng chất, ngày đáo hạn càng lúc càng đến gần, khiến khả năng thanh toán trái phiếu của DN BBS càng thấp. Một chủ đầu tư BĐS cho biết, lãi suất tăng cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vốn đầu tư BĐS của DN cũng như khách hàng cá nhân trong năm 2023. Điều này cũng có nghĩa, khả năng hấp thụ của thị trường giảm sút, trong khi lượng hàng tồn kho tích lũy còn rất lớn sau giai đoạn vừa qua, vì thế DN không biết lấy đâu ra tiền để đáo hạn trái phiếu.
Tuy nhiên, theo chuyên gia chứng khoán H.N, để ổn thỏa đôi bên, các DN BĐS cần phải "hy sinh" quyền lợi của mình. Cụ thể, đối với những trái chủ mua trái phiếu với số tiền lớn, DN BĐS có thể thương lượng đổi trả sản phẩm nhà phố, căn hộ, biệt thự trong các dự án cho họ với giá thực sự "mềm" để kích cầu. Đối với các trái chủ mua trái phiếu với số tiền nhỏ, DN BĐS nên đàm phán theo hướng tăng thêm lãi suất để họ được yên tâm. Trường hợp DN BĐS rơi vào bế tắc, cũng nên mạnh dạn tính đến phương án "hy sinh" thông qua M&A dự án hoặc công ty để hoàn thành nghĩa vụ đã cam kết với trái chủ.
Các DN quy mô vừa và nhỏ, chất lượng tài sản không cao sẽ gặp nhiều bế tắc trong việc tìm kiếm nguồn vốn để thanh toán trái phiếu đến hạn. Ảnh: Bảo Tín |
Các chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận, cuối năm 2023 và năm 2024 sẽ là giai đoạn khó khăn về dòng tiền đối với các DN BĐS có trái phiếu đáo hạn. Đặc biệt đối với các DN quy mô vừa và nhỏ, chất lượng tài sản không cao sẽ gặp nhiều bế tắc trong việc tìm kiếm nguồn vốn để xoay vòng khi: nguồn vốn vay ngân hàng khó tiếp cận; nguồn vốn từ phát hành trái phiếu bị siết chặt; mức hấp thụ của thị trường BĐS trong năm năm nay và năm tới là không cao do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.
Một tia hy vọng được nhen nhóm là ngày 10/7/2023 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%. Động thái này phần nào tác động tích cực đến sự khai thông của dòng tiền cho DN BĐS. Tuy nhiên, phương án này chỉ dành cho những DN có dự án mới và còn tài sản đảm bảo chất lượng tốt. Khi thị trường BĐS kỳ vọng sẽ ấm trở lại, DN mới có cơ hội giải phóng hàng tồn kho, may ra kiếm thêm được nguồn tiền để trả nợ cho trái chủ.
"Nói gì thì nói, các nhà đầu tư cá nhân đã và sẽ tiếp tục mất niềm tin vào thị trường trái phiếu sau biến cố vừa qua của các "ông lớn" BĐS. Cho nên, để lấy lại chữ tín, trước tiên các bên phát hành trái phiếu DN BĐS cần gia cố lại niềm tin thông qua việc thực hiện nghĩa vụ đáo hạn đúng như những gì cam kết. Về lâu dài, việc phát hành trái phiếu nói chung và trái phiếu DN BĐS nói riêng luôn cần các yêu cầu ràng buộc cụ thể về pháp lý nghiệp vụ lẫn kỹ thuật, may ra kênh huy động vốn này mới có cơ hội phục hồi trở lại", chuyên gia chứng khoán H.N nhận định.