Ngân sách nhà nước trước thách thức lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đến hết tháng 7, cán cân ngân sách nhà nước vẫn giữ được thặng dư ở mức hơn 101,5 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh phức tạp có nguy cơ làm giảm nguồn thu ngân sách trong những tháng tới, trong khi chi ngân sách chịu áp lực tăng để đảm bảo công tác phòng chống dịch và hỗ trợ khôi phục sản xuất, an sinh xã hội. Điều này có thể khiến “túi tiền” quốc gia rơi vào trạng thái thâm hụt, nên chú trọng nuôi dưỡng nguồn thu để củng cố cán cân tài khoá sau dịch.
Số thu nội địa của ngân sách nhà nước có xu hướng “hụt hơi” từ cuối tháng 4/2021 do ảnh hưởng dịch bệnh. Ảnh: Nhã Chi
Số thu nội địa của ngân sách nhà nước có xu hướng “hụt hơi” từ cuối tháng 4/2021 do ảnh hưởng dịch bệnh. Ảnh: Nhã Chi

Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, luỹ kế thu ngân sách nhà nước 7 tháng năm 2021 đạt 912,1 nghìn tỷ đồng, bằng 67,9% dự toán năm, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngân sách trung ương ước đạt 64,4% dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 72,2% dự toán.

Đáng chú ý, theo Tổng cục Thuế, dù số thu nội địa 7 tháng đạt khá, chủ yếu do kinh tế hồi phục từ những tháng cuối năm 2020 duy trì cho đến nửa đầu năm 2021 và tăng thu đột biến từ một số nguồn thu do được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ, song bắt đầu có xu hướng “hụt hơi” từ cuối tháng 4. Cụ thể, thu thuế, phí nội địa từ mức tăng 15,9% ở thời điểm tháng 4, đến tháng 6 chỉ còn tăng 5,6%, tháng 7 ước giảm 10,4%.

Trong khi đó, lũy kế chi 7 tháng ước tính là 810,6 nghìn tỷ đồng, bằng 48% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển 169,3 nghìn tỷ đồng, bằng 35,5% dự toán; chi trả nợ lãi là 65,2 nghìn tỷ đồng, bằng 59,2% dự toán; chi thường xuyên 572,2 nghìn tỷ đồng, bằng 55,2% dự toán.

Như vậy, thặng dư ngân sách nhà nước hơn 101,5 nghìn tỷ đồng từ đầu năm đến nay là nhờ số thu nội địa vẫn giữ đà tăng do phục hồi sản xuất kinh doanh trong 4 tháng đầu năm và giải ngân chi đầu tư phát triển vẫn rất chậm.

Trong những tháng còn lại của năm nay, thu ngân sách nhà nước dự báo sẽ đối mặt nhiều khó khăn. Trước hết là nguồn giảm thu dự kiến 20 nghìn tỷ đồng theo Dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp và người dân.

Về chi ngân sách nhà nước, tại Nghị quyết 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh Covid-19, Chính phủ yêu cầu ưu tiên sắp xếp, bố trí ngân sách nhà nước và các nguồn lực hợp pháp khác để bảo đảm kinh phí cho công tác phòng, chống dịch. Đồng thời yêu cầu cắt giảm tối thiểu 50% chi phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021, không tính tiền lương và các khoản thu nhập khác; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ngân sách nhà nước đang đứng trước khó khăn, thách thức rất lớn. Do vậy, ngành thuế tăng cường công tác quản lý thu; đẩy mạnh chống chuyển giá, trốn thuế; thu hồi nợ đọng thuế. Cơ quan thuế các cấp siết chặt quản lý việc hoàn thuế; đôn đốc nộp sớm các khoản cổ tức và lợi nhuận còn lại; chủ động xây dựng các kịch bản thu ngân sách.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nêu quan điểm: “Năm nay là một năm rất khó khăn với nhiều doanh nghiệp và nền kinh tế. Dù ngân sách nhà nước đã ghi nhận kết quả khả quan trong 7 tháng đầu năm, song thời điểm này có thể coi là khởi đầu của một giai đoạn chật vật, phải hết sức co kéo từ cả thu và chi. Năm 2021 có thể là năm đầu tiên trong nhiều năm qua phải chấp nhận tình trạng thâm hụt ngân sách nhà nước. Điều này cũng gây khó khăn cho công tác điều hành ngân sách nhà nước trong những năm tiếp theo, bởi nguồn lực cho đầu tư phát triển sẽ hạn chế, trong khi đây lại là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.

Do đó, theo ông Long, sang năm 2022 có thể vẫn phải tăng vay để có nguồn cho chi đầu tư phát triển, đồng thời tiếp tục mạnh tay cắt giảm chi thường xuyên. Về thu ngân sách nhà nước, cơ quan thuế đang có những động thái kiểm soát chặt chẽ các nguồn thu còn dư địa tăng thu như thương mại điện tử, song cần tính toán thực hiện các giải pháp hỗ trợ và nuôi dưỡng nguồn thu để dần củng cố cán cân tài khoá sau dịch.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư