Ngân hàng lãi lớn nửa đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số ngân hàng như SHB, SeABank, TPBank đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay với lợi nhuận tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm ngoái. Một số ngân hàng chưa công bố kết quả kinh doanh cũng được dự báo đạt mức tăng cao nhờ tín dụng tăng trưởng khả quan, chi phí tín dụng giảm. Tuy nhiên, dự báo các nhà băng khó duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận trong nửa cuối năm 2022.
Tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm dự báo có thể chậm hơn so với nửa đầu năm 2022. Ảnh: Nhã Chi
Tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm dự báo có thể chậm hơn so với nửa đầu năm 2022. Ảnh: Nhã Chi

Ngân hàng SHB vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay với lợi nhuận trước thuế ước tính gần 5.900 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành hơn 50% kế hoạch năm. Tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh dự kiến đạt hơn 9.400 tỷ đồng, tăng gần 113%.

Trước đó, 2 ngân hàng khác là SeABank và TPBank đã công bố kết quả kinh doanh tích cực. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2022 của SeABank đạt 2.806 tỷ đồng, tăng 180% so với cùng kỳ năm 2021. Còn TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế lũy kế đến 30/6/2022 đạt 3.788 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết ngày 30/6, tín dụng toàn nền kinh tế đạt 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% so với cuối năm 2021 và cao hơn mức 6,9% của cùng kỳ năm trước. Với số liệu tăng trưởng tín dụng khả quan, nhiều ngân hàng chưa công bố kết quả kinh doanh cũng được dự báo đạt mức lợi nhuận cao.

Theo dự báo của Trung tâm Phân tích Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research), Ngân hàng VIB sẽ đạt 5.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng cao (hơn 9,5% so với đầu năm) và tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) ổn định khoảng 4,4%.

Ngân hàng BIDV được dự báo lợi nhuận trước thuế quý II/2022 đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, nhờ tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động của ngân hàng (LDR) tăng (tăng trưởng tín dụng đạt 9 - 10% và tăng trưởng huy động vốn là 2,6%) và chi phí tín dụng giảm. Tổng lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2022 đạt 10.013 tỷ đồng, tăng trưởng 24,2%.

Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế của VietinBank trong quý II/2022 được dự báo đạt 4.600 - 4.700 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo báo cáo của SSI Research, để kiểm soát lạm phát, NHNN có thể thận trọng hơn trong việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm 2022. Hạn mức được cấp thêm có thể chỉ ở mức vừa phải, đi cùng với điều kiện các ngân hàng phải hạn chế giải ngân cho các lĩnh vực, phân khúc tiềm ẩn rủi ro. Vì vậy, tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm có thể chậm hơn so với 6 tháng đầu năm 2022, kỳ vọng cả năm đạt mức 15% - 16%.

Báo cáo cũng nhận định, trong 6 tháng đầu năm 2022, NIM của các ngân hàng được nới rộng do tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ và hệ số LDR cao hơn. Tuy nhiên, khi hạn mức tăng trưởng tín dụng mới được ban hành, áp lực của việc tăng lãi suất huy động cũng sẽ tăng lên. Tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung, dài hạn được hạ xuống 34% kể từ ngày 1/10/2022 theo quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-NHNN. Do đó, các ngân hàng sẽ phải tăng nguồn vốn huy động dài hạn khiến chi phí vốn bình quân cao hơn. Trong khi đó, thông thường phải mất từ 1 - 2 quý để lãi suất cho vay điều chỉnh lại hoàn toàn theo lãi suất huy động. Vì vậy, NIM có thể chịu áp lực so với 6 tháng đầu năm 2022, nhưng vẫn sẽ cao hơn 6 tháng cuối năm 2021.

Thông tin về nới ''room'' tín dụng đang được thị trường quan tâm và mong chờ khi nhiều ngân hàng đã chạm trần tăng trưởng tín dụng ngay từ cuối quý I và đầu quý II năm nay. Tại Hội nghị triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% tổ chức mới đây, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, sẽ quán triệt về vấn đề tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm sắp tới.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư