Năm 2021: Kỳ vọng tăng tốc đổi mới sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, nhất là năm 2020, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng cơ chế, chính sách, tạo khung pháp lý để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Cùng với những dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông tin tưởng, đây là tiền đề tốt để năm 2021 Việt Nam tăng tốc phát triển đổi mới sáng tạo.
Một số startup của Việt Nam như ứng dụng gọi xe Be, trang mua sắm trực tuyến Tiki.vn, Sendo.vn đã vươn lên, cạnh tranh thị phần với các doanh nghiệp nước ngoài.
Một số startup của Việt Nam như ứng dụng gọi xe Be, trang mua sắm trực tuyến Tiki.vn, Sendo.vn đã vươn lên, cạnh tranh thị phần với các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, 2021 được đánh giá là năm có ý nghĩa quan trọng để bứt phá trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, bởi chúng ta đã có tiền đề tốt với sự chuẩn bị một cách chủ động. Đơn cử, tháng 9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52/NQ-TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Triển khai chủ trương này, Chính phủ đã giao nhiệm vụ rất cụ thể cho các bộ, ngành trong việc xây dựng thể chế cũng như hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Đến nay, khung khổ pháp lý cho đổi mới sáng tạo được quy định ở nhiều văn bản, trong đó, tập trung ở Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Luật Đầu tư, Luật Khoa học và Công nghệ và các nghị định hướng dẫn thi hành.

“Mới đây, Bộ KH&ĐT cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) khởi động Chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 với tham vọng để 800.000 DN Việt Nam có thể thực hiện được chuyển sổi số, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, dù doanh nghiệp lớn, nhỏ hay vừa”, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết.

Theo Lãnh đạo Bộ KH&ĐT, với chương trình này, các DN sẽ được hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao nhận thức, tầm nhìn và chiến lược của DN về chuyển đổi số; số hóa hoạt động kinh doanh như marketing, bán hàng; số hóa quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ, các nghiệp vụ quản lý tài chính, kế toán, nhân sự, báo cáo, giám sát và đánh giá; chuyển đổi số toàn diện để tạo ra sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới cho DN.

Cùng với đó, Bộ KH&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về hỗ trợ DN nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị và chuỗi liên kết ngành. Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đang tích cực triển khai Đề án 844 hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng triển khai Quyết định số 1665/QĐ-TTg khơi dậy khát vọng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên…

Trên thực tế, hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam diễn ra khá sôi động. Nếu như trước đây, từ dịch vụ gọi xe trực tuyến đến mua hàng trực tuyến trên thị trường chủ yếu do các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp như Grab, Uber, Amazon… thì nay đã có những tên tuổi Việt Nam xuất hiện trong tốp đầu, như ứng dụng gọi xe Be, trang mua sắm trực tuyến Tiki.vn; Sendo.vn... Không chỉ hoạt động ở thị trường nội địa, startup Việt Nam còn vươn ra thế giới bằng chính các sản phẩm, dịch vụ nền tảng đã thành công ở trong nước.

Chỉ còn ít ngày nữa, 2 sự kiện lớn về đổi mới sáng tạo quốc gia là: khai mạc Triển lãm quốc tế về đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2021 và Lễ khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) sẽ diễn ra tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Đây là 2 trong số rất nhiều sự kiện, công việc nhằm hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới trong kỷ nguyên mới.

“Tất cả những hoạt động này cho thấy chúng ta có cơ sở để tin rằng năm 2021 là một năm Việt Nam tăng tốc phát triển đổi mới sáng tạo”, Thứ trưởng Trần Duy Đông tin tưởng.

Trước đó, thông qua Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Venture Summit) 2020 diễn ra tại Hà Nội tháng 11/2020, 33 quỹ đầu tư đã cam kết rót 815 triệu USD cho cộng đồng DN khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2025. Như vậy, so với diễn đàn đầu tiên được tổ chức năm 2019, số lượng quỹ tham gia cam kết đầu tư đã tăng gấp 1,5 lần, còn số vốn cam kết giải ngân tăng gấp 2 lần. Những con số trên cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư với cộng đồng startup Việt Nam. Cùng với đó, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập từ sáng kiến của Bộ KH&ĐT đã có hơn 1.000 thành viên tại 14 quốc gia và đang tiếp tục được mở rộng đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo Việt Nam trong năm 2020 cũng như thời gian tới.

Chuyên đề