Việt Nam: Điểm sáng về đổi mới sáng tạo khu vực ASEAN

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Nền kinh tế ASEAN nhìn qua đại dịch” trước thềm sự kiện Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2020 (VVS2020), ông Thiều Phương Nam, Giám đốc khu vực Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia đánh giá, Việt Nam là một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo phát triển nhất trong khu vực ASEAN.

Các đại biểu tham gia Tọa đàm: "Nền kinh tế ASEAN nhìn qua đại dịch" diễn ra trực tuyến ngày 18/11/2020 trước thềm VVS2020
Các đại biểu tham gia Tọa đàm: "Nền kinh tế ASEAN nhìn qua đại dịch" diễn ra trực tuyến ngày 18/11/2020 trước thềm VVS2020

Theo ông Thiều Phương Nam, các nhà đầu tư thấy được tiềm năng phát triển mạnh mẽ của các công ty công nghệ Việt Nam thời gian qua. “Bản thân Qualcom đã phát triển một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam để hỗ trợ các đối tác tại đây về Internet vạn vật (IoT), 5G, học máy (machine learning)…”, Lãnh đạo Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia cho biết.

Đồng tình với đánh giá này, ông Steven Okun - nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành APAC Advisors cho biết, hiện Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trong các quốc gia Đông Nam Á nhận được số vốn đầu tư mạo hiểm và đầu tư vào các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ. Đây chính là “cánh cửa” để các DN tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Quỹ đầu tư Do Venture, năm 2019, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam đã tăng đáng kể so với năm 2018. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng của đại dịch Covid-19, song đầu tư vào DN khởi nghiệp của Việt Nam vẫn đạt 222 triệu USD. Đặc biệt, nhận định về tiềm năng đầu tư, Do Venture cho rằng, tiềm năng về đầu tư vào các DN khởi nghiệp Việt Nam còn rất cao.

Cũng tại Tọa đàm này, các chuyên gia nhận định, không quốc gia nào thoát khỏi sự ảnh hưởng sâu rộng bởi đại dịch Covid-19, nhưng sự ảnh hưởng tới mỗi nước là khác nhau. Các quốc gia phát triển thường có các nguồn lực và cơ sở hạ tầng để chống chịu với đại dịch và có nền tảng vững chắc để phục hồi. Các nước đang phát triển, bao gồm cả các quốc gia ASEAN mới nổi như Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam bắt đầu cuộc khủng hoảng trong thế bất lợi và đại dịch làm tăng thách thức với các quốc gia này.

Nghiên cứu của Công ty tư vấn McKinsey chỉ ra, tại các quốc gia ASEAN kể trên, các xu hướng mới đang được hình thành từ đại dịch và lan rộng, trở thành tiềm năng phục hồi cho nền kinh tế nếu có sự chuẩn bị kỹ càng. Nhìn qua đại dịch, 5 đòn bẩy chính không chỉ hỗ trợ sự phục hồi kinh tế nhanh chóng mà còn tạo nền tảng cho việc tăng trưởng bền vững bao gồm: Toàn cầu hóa, cách mạng công nghệ, sự thay đổi của người tiêu dùng, các vấn đề về bền vững và tương lai nghề nghiệp.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị, các DN cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm ứng phó hiệu quả với các rủi ro. Đặc biệt, với các DN công nghệ, Covid-19 cũng mang lại 1 cơ hội lớn cho các DN, nhà đầu tư khi chứng kiến các xu hướng trong thời kỳ bình thường mới đang phát triển mạnh mẽ thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ như thương mại điện tử, logistic, y tế từ xa…

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2020, sáng 20/11, một hội thảo trực tuyến khác với chủ đề “Thương mại điện tử trên mạng xã hội” được tổ chức. Theo các chuyên gia tại Hội thảo, thương mại trên mạng xã hội đang dần phát triển và có khả năng cạnh tranh trên thị trường do tính chất phân mảnh của các ngành bán lẻ và dịch vụ. Cơ hội để xây dựng các mô hình kinh doanh mới qua mạng xã hội ở Việt Nam và trong khu vực ASEAN là không giới hạn.

Chuyên đề