Một loạt dự án giao thông “kích hoạt”, bất động sản TP.HCM hứa hẹn khởi sắc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một loạt dự án hạ tầng giao thông đã khởi động và chuẩn bị triển khai đang hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội mới cho thị trường bất động sản TP.HCM và các tỉnh lân cận, nhất là đối với phân khúc đất nền, nhà phố, biệt thự - nơi cần quỹ đất lớn để phát triển dự án.
Sức cầu chung của thị trường đối với các phân khúc đất nền, nhà phố, biệt thự đều tăng trong thời gian qua. Ảnh minh họa: Ngô Bảo Tín
Sức cầu chung của thị trường đối với các phân khúc đất nền, nhà phố, biệt thự đều tăng trong thời gian qua. Ảnh minh họa: Ngô Bảo Tín

Khi hạ tầng mở lối

Ngày 30/9/2021, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý đề nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc giao 5 địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án đường Vành đai 4 - TP.HCM.

Cụ thể, đoạn Phú Mỹ - Bàu Cạn khoảng 18 km giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đoạn Bàu Cạn - cầu Thủ Biên khoảng 45 km giao UBND tỉnh Đồng Nai, đoạn cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn khoảng 49 km giao UBND tỉnh Bình Dương, đoạn cầu Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn) khoảng 17 km giao UBND TP.HCM. Đoạn kênh Thầy Cai - Hiệp Phước khoảng 71 km giao UBND tỉnh Long An.

Tính chung, tổng chiều dài toàn tuyến là khoảng 200 km, quy mô 6 - 8 làn xe, với mức đầu tư sơ bộ khoảng 100.000 tỷ đồng.

Kế đó, ngày 19/10/2021, HĐND TP.HCM cũng đã phê duyệt Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có chiều dài 50 km, quy mô 8 làn xe, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 15.900 tỷ đồng. Dự kiến được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2025.

Ngày 24/10/2021, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã gửi văn bản đến Bộ Giao thông vận tải nêu ý kiến về việc giao cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo phương thức PPP. Dự án có tổng chiều dài khoảng 53,7 km, tổng vốn đầu tư 19.916 tỷ đồng.

Ngày 29/10/2021, Bộ Giao thông vận tải cho biết, Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án nhà ga hành khách T3 đã được hoàn thành và dự kiến sẽ nghiệm thu trong tháng 11/2021.

Dự án nhà ga T3 được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng vốn khoảng 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn của ACV, sẽ khởi công vào tháng 12/2021, dự kiến hoàn thành trong 37 tháng.

Mục tiêu xây dựng ga T3 theo tiêu chuẩn quốc tế, với công suất 20 triệu hành khách một năm và các công trình phụ trợ đồng bộ, phục vụ khai thác nội địa tại sân bay Tân Sơn Nhất để giảm tải cho nhà ga T1.

Cũng trong tháng 10/2021, tỉnh Bình Dương tổ chức khởi công xây dựng hai tuyến đường, bao gồm đường nối ngã ba Tam Lập đến Bàu Bàng dài gần 17,8 km tổng mức đầu tư gần 1.471 tỷ đồng và đường nối Tân Long đến Lai Uyên trị giá gần 564 tỷ Đồng dài khoảng 8,7 km. Tổng mức đầu tư 2 dự án là hơn 2.000 tỷ đồng.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, việc hạ tầng xã hội ở khu vực phía Nam, đặc biệt là ở TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh phát triển mạnh trong thời gian qua, đã tạo một động lực to lớn cho sự phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.

Trong những năm tới, theo ông Châu, khi các dự án giao thông nói trên hoàn thành, khoảng cách và thời gian đi lại được rút ngắn, thị trường bất động sản ở TP.HCM nói riêng và các tỉnh lân cận TP.HCM nói chung sẽ phát triển rất thuận lợi.

Triển vọng cho đất nền, nhà phố, biệt thự

Một điều dễ nhận thấy là, trong những năm qua, không chỉ ở TP.HCM, các dự án thuộc phân khúc đất nền, nhà phố, biệt thự đã và đang phát triển khá mạnh ở các thị trường lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu. Những dự án lớn của các chủ đầu tư như: Hưng Thịnh, Novaland, Đại Phúc Group, Nam Long, Vingroup, Phát Đạt, Khang Điền, Trần Anh Long An… luôn có tính thanh khoản cao.

Những dự án nằm trong các khu đô thị lớn được quy hoạch đồng bộ, bài bản tiếp tục thu hút sự quan tâm của khách hàng. Ảnh minh họa: Ngô Bảo Tín

Những dự án nằm trong các khu đô thị lớn được quy hoạch đồng bộ, bài bản tiếp tục thu hút sự quan tâm của khách hàng. Ảnh minh họa: Ngô Bảo Tín

Ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc DKRA Vietnam cho biết,sức cầu chung của thị trường đối với các phân khúc nói trên tăng, tuy nhiên chỉ tập trung cục bộ tại một số dự án. Điều này minh chứng, những dự án nằm trong các khu đô thị lớn được quy hoạch đồng bộ, bài bản tiếp tục thu hút sự quan tâm của khách hàng.

Riêng trong tháng 10 năm nay, nguồn cung mới của phân khúc đất nền tập trung chủ yếu ở 4 thị trường TP.HCM, Long An, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại hai tỉnh Bình Dương và Tây Ninh không ghi nhận nguồn cung mới trong tháng qua.

Tỉnh Long An dẫn đầu thị trường với 3 dự án mở bán, trong đó có 1 dự án mới và 2 dự án thuộc giai đoạn tiếp theo, cung cấp ra thị trường 353 sản phẩm, chiếm 54% tổng nguồn cung toàn thị trường.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 2 dự án mở bán trong tháng qua, cung cấp ra thị trường 140 sản phẩm, chiếm 22% tổng nguồn cung mới trong tháng 10/2021. Trong đó, 89% lượng nguồn cung của Tỉnh tập trung tại dự án ở huyện Châu Đức.

Dù mới bước qua tháng đầu tiên sau giai đoạn giãn cách xã hội, nhưng mặt bằng giá sơ cấp trong tháng có mức tăng trung bình dao động 15 - 30% so với đợt mở bán trước đó.

Đối với phân khúc nhà phố, biệt thự, nguồn cung mới tăng mạnh so với tháng trước khi lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ, tuy nhiên tập trung chủ yếu ở Đồng Nai, những khu vực khác như Bình Dương, Long An và TP.HCM ghi nhận nguồn cung khiêm tốn.

Trong khi đó, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới. Đồng Nai vẫn là khu vực dẫn đầu về nguồn cung (85%) và lượng tiêu thụ (74%) toàn thị trường. Sức cầu chung thị trường tăng, nhưng cũng chỉ tập trung cục bộ tại một số dự án.

Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, hiện nhiều dự án đang trong giai đoạn truyền thông, chuẩn bị. Cho nên, nguồn cung mới và sức cầu phân khúc nhà phố, biệt thự, kể cả đất nền có thể sẽ tăng vào những tháng cuối năm và tập trung chủ yếu ở khu Đông và các tỉnh, thành nói trên.

Về lâu dài, khi các dự án giao thông nói trên hoàn thiện, thị trường bất động sản TP.HCM và các tỉnh lân cân sẽ được tiếp thêm một nguồn động lực mới để phát triển.

Chuyên đề