Kỳ vọng thị trường bất động sản minh bạch hơn, hiệu quả hơn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Chỉ thị số 14/2024/CT-TTg ban hành ngày 2/5/2024, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có những giải pháp liên quan đến thị trường bất động sản. Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước và một số bộ, ngành thực hiện những công việc cụ thể, góp sức phục hồi và phát triển thị trường này.
Năm 2024, các phân khúc chung cư, đất nền, liền kề, biệt thự, shophouse dự kiến sẽ nhận được sự quan tâm của dòng tiền đầu tư. Ảnh: Tiên Giang
Năm 2024, các phân khúc chung cư, đất nền, liền kề, biệt thự, shophouse dự kiến sẽ nhận được sự quan tâm của dòng tiền đầu tư. Ảnh: Tiên Giang

Hoàn thiện chính sách và minh bạch thị trường

Với Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu dành thời gian, công sức tập trung rà soát, phân loại các dự án bất động sản để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với từng doanh nghiệp, từng dự án đủ điều kiện. Cùng với đó, cần đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án, chính sách tín dụng, trong đó có Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo lại chung cư cũ để góp phần thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.

Với Bộ Xây dựng, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương rà soát, sửa đổi hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; tinh thần là giảm cấp trung gian, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, kịp thời tiến độ triển khai luật. Cùng với đó, cần phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương có giải pháp thiết thực, hiệu quả triển khai Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội; triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng.

Với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai, đồng thời xây dựng, hoàn thiện Hệ thống thông tin về đất đai, phối hợp với Bộ Xây dựng để kết nối với Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.

Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương nhận định, GDP năm 2023 tăng trưởng trên 5%, nhưng sức khỏe của khối doanh nghiệp bất động sản thì suy giảm do các nỗ lực tháo gỡ khó khăn còn chậm, chưa rõ ràng. Với việc Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai sắp có hiệu lực, ông Thiên cho rằng, thị trường bất động sản chắc chắn sẽ thay đổi, định hình lại theo hướng bền vững hơn.

Những kỳ vọng mới

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc mảng Dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án DKRA Group nhận định, từ năm 2022, Chính phủ đã và đang có những động thái quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tồn đọng nhiều năm của thị trường bất động sản. Đặc biệt, 3 dự án luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản được Quốc hội thông qua và Chính phủ đang thúc đẩy hoàn thiện các văn bản hướng dẫn sẽ tháo gỡ nhiều nút thắt về pháp lý, trong đó điểm chờ đợi nhất là chính sách mới sẽ gỡ vướng được việc tính tiền sử dụng đất và đất xen cài.

Đối với tiền sử dụng đất, theo ông Thắng, suốt thời gian dài, nhiều dự án bị nghẽn hoàn toàn vì không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, khiến nhiều chủ đầu tư lâm vào bế tắc. Từ giữa năm 2022 khi Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng, nguồn vốn bị đứt, doanh nghiệp bất động sản “sống dở chết dở” vì không thể vay được vốn, trong khi room ngân hàng vẫn còn nhiều, lãi suất thấp. “Nếu pháp lý được khơi thông, nhiều dự án sẽ hoàn chỉnh thủ tục và khởi động trở lại, ngân hàng sẽ đủ cơ sở để cho vay nên thị trường sẽ ổn định và chủ đầu tư sẽ bán được hàng, có nguồn lực tài chính để hoạt động”, ông Thắng nói.

Trong quan điểm thận trọng, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản nước ta gắn liền với những từ khóa nổi bật: “vướng và chậm, khó và bí”, cụ thể là vướng pháp lý, chậm thủ tục dự án, khó nguồn vốn và bí về thanh khoản. Vì thế, thị trường sẽ cần thời gian để thích nghi với quy định pháp lý mới, nhất là khi thực tế có rất nhiều khó khăn cần giải quyết mới có thể mong thị trường bước sang trạng thái phát triển lành mạnh và tăng trưởng.

Cũng theo ông Lộc, Quốc hội đã thông qua 3 luật quan trọng, là 3 “mũi giáp công”, là cứu cánh cho thị trường bất động sản cũng như thúc đẩy sự phát triển của thị trường này. Tuy nhiên, hành trình trước mắt còn gian nan, bởi vẫn còn điểm chồng chéo chưa được sửa đổi một cách triệt để và việc thực thi quy định pháp lý mới có thể phát sinh nhiều vấn đề mới. Để góp sức gỡ những vướng mắc pháp lý, nhất là cho doanh nghiệp, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam đang đề nghị phối hợp với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức một hội nghị về triển khai quy định pháp luật toàn ngành bất động sản. “Chúng tôi sẵn sàng trợ giúp các doanh nghiệp về vấn đề pháp lý”, ông Lộc nói.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn Bất động sản Sohovietnam, ông Phan Xuân Cần tin rằng, năm 2024 sẽ chứng kiến sự sôi động trở lại trên thị trường bất động sản, trong đó, phân khúc chung cư, đất nền, liền kề, biệt thự, shophouse sẽ nhận được sự quan tâm lớn của dòng tiền đầu tư. Tiếp đến là bất động sản khu công nghiệp và logistics. Với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, những dữ liệu gần đây cho thấy ngành du lịch đang phục hồi, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao. Đây sẽ là yếu tố giúp bất động sản nghỉ dưỡng có thanh khoản trên nền giá thấp.

Chia sẻ với các cổ đông mới đây, ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển đô thị Từ Liêm (Lideco) nhận định, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành sẽ sớm xử lý nhiều vướng mắc pháp lý của dự án, khơi thông dòng tiền. “Lideco tin rằng, thị trường bất động sản sẽ ổn định và tăng trưởng trở lại. Với sản phẩm sẵn có phù hợp với nhu cầu khách hàng, năm 2024, Lideco đặt mục tiêu 750 tỷ đồng doanh thu, 320 tỷ đồng lợi nhuận và cổ tức tiền mặt 12%”, ông Kha chia sẻ.

Năm 2024, ông Kha cho biết, Lideco đang và sẽ tập trung phát triển dự án khu đô thị Lideco (huyện Hoài Đức), khu đô thị tại các phường Cao Thắng, Hà Khánh, Hà Lầm, TP. Hạ Long; dự án Khu đô thị Dịch Vọng, trong đó sẽ tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư tòa nhà chung cư N11 để khởi công năm 2024 và có thể ra hàng sớm.

Lãnh đạo Công ty CP Nam Long thì đánh giá, môi trường lãi suất thấp, nhu cầu ở thực tăng cao và Chính phủ kiến tạo, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản là những yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp có định hướng phát triển bền vững. Về phía Công ty, giai đoạn năm 2024 - 2026, Nam Long sẽ tập trung vào dòng sản phẩm vừa túi tiền, thiện chí, minh bạch trong xây dựng chuỗi sản phẩm thực, đáp ứng nhu cầu thị trường. Nam Long đặt mục tiêu 6.657 tỷ đồng doanh thu năm 2024, tăng mạnh so với doanh thu thực tế 3.181 tỷ đồng năm 2023. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2024 dự kiến đạt 821 tỷ đồng, tăng so với mức 801 tỷ đồng ghi nhận năm 2023.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư