Kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được làm nhà ở xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhằm góp ý bổ sung một số quy định của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) được tham gia thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (NOXH) cho đoàn viên công đoàn và công nhân, lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách NOXH làm việc tại các khu công nghiệp (KCN) thuê.
Việc đầu tư xây dựng NOXH nói trên dựa trên cơ chế “Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn” trực thuộc TLĐLĐVN. Ảnh: Bảo Tín
Việc đầu tư xây dựng NOXH nói trên dựa trên cơ chế “Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn” trực thuộc TLĐLĐVN. Ảnh: Bảo Tín

Chưa tiên lượng trường hợp KCN được chuyển đổi thành khu đô thị - dịch vụ

Theo đó, việc đầu tư xây dựng NOXH nói trên dựa trên cơ chế “Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn” trực thuộc TLĐLĐVN có tư cách pháp nhân, có chức năng kinh doanh bất động sản, có đủ điều kiện làm chủ đầu tư dự án NOXH, hoặc “Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn” đề xuất TLĐLĐVN lựa chọn chủ đầu tư dự án NOXH cho công nhân trong KCN, tương tự như “trường hợp UBND cấp tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng NOXH thì UBND cấp tỉnh xác định chủ đầu tư theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về xây dựng” quy định tại Khoản 1 Điều 82 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Do vậy, HoREA đề nghị chọn “phương án 1” và sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 78 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) như sau: “TLĐLĐVN được thực hiện đầu tư xây dựng NOXH cho đoàn viên công đoàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách NOXH làm việc tại các KCN thuê thì TLĐLĐVN giao cho Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn làm chủ đầu tư dự án NOXH cho công nhân trong KCN hoặc xác định chủ đầu tư theo đề nghị của Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn theo quy định của Luật này và pháp luật về đầu tư và pháp luật về xây dựng. Chính phủ quy định chi tiết khoản này”.

Đồng thời, HoREA đề nghị cho công nhân, lao động đang thuê “NOXH cho công nhân trong KCN” được mua lại nhà ở này khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép “chuyển đổi KCN sang phát triển khu đô thị - dịch vụ” theo quy định tại Điều 13 Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ, mà khu “NOXH cho công nhân trong KCN” vẫn phù hợp quy hoạch.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận xét, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa tiên lượng trường hợp KCN được chuyển đổi thành khu đô thị - dịch vụ. Bởi, Điều 13 Nghị định 35/2022/NĐ-CP cho phép “chuyển đổi KCN sang phát triển khu đô thị - dịch vụ” quy định: “Các điều kiện chuyển đổi KCN sang phát triển khu đô thị - dịch vụ bao gồm: Phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; KCN nằm trong khu vực nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và các đô thị loại I trực thuộc tỉnh; Thời gian hoạt động kể từ ngày KCN được thành lập đến thời điểm xem xét chuyển đổi tối thiểu là 15 năm hoặc một phần hai (1/2) thời hạn hoạt động của KCN...”, mà trong “khu đô thị - dịch vụ” thường bao gồm khu nhà ở.

Vẫn theo ông Châu, trường hợp trong KCN có “thiết chế công đoàn” bao gồm khu “NOXH cho công nhân trong KCN thuê” thì đề nghị Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) bổ sung quy định “người thuê căn hộ này từ 5 năm trở lên được mua lại nhà ở này” khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép “chuyển đổi KCN sang phát triển khu đô thị - dịch vụ” theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ, mà khu “nhà ở xã hội cho công nhân trong KCN” vẫn phù hợp quy hoạch, để công nhân, lao động đang thuê nhà yên tâm.

Đề xuất lập doanh nghiệp chuyên phát triển NOXH

Đứng trước tình trạng còn nhiều hạn chế trong việc phát triển NOXH, mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM cũng kiến nghị UBND Thành phố cho phép thành lập doanh nghiệp chuyên biệt trực thuộc Thành phố để đầu tư, quản lý NOXH.

Sở Xây dựng khẳng định, loại hình NOXH chưa đa dạng, các căn hộ diện tích 25 - 30 m2 và giá 300 - 400 triệu đồng còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Trong khi đó, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng rất khó khăn, kéo dài khiến tiến độ dự án NOXH chậm, thậm chí không thực hiện được.

Xét về yếu tố tài chính, nguồn vốn dài hạn để hỗ trợ các chủ đầu tư vay thực hiện dự án NOXH chưa ổn định. Đã vậy, các bước thủ tục đầu tư nhà ở xã hội còn phức phức tạp nên không thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Tổng giám đốc của một công ty chuyên thực hiện các dự án NOXH cho hay, cái khó lớn nhất hiện nay là các dự án NOXH phải thực hiện thẩm định giá bán NOXH, xác nhận đối tượng mua nhà, kiểm soát lợi nhuận định mức dự án... Chính điều này khiến nhiều doanh nghiệp rất ngại khi tham gia vào phân khúc nhà ở dạng này.

Cho nên, Sở Xây dựng đề xuất TP.HCM, Trung ương cho phép thành lập doanh nghiệp chuyên biệt trực thuộc Thành phố để đầu tư, phát triển, quản lý NOXH.

Đồng thời, kiến nghị ban hành văn bản hướng dẫn, thống nhất quy trình thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở nói chung và NOXH nói riêng theo hướng cắt giảm hoặc liên thông thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, chi phí thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng.

Được biết, giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM đã hoàn thành 19 dự án, 1,18 triệu m2, quy mô gần 15.000 căn NOXH, đạt xấp xỉ 75% kế hoạch. Giai đoạn 2021 - 2025, tính đến hết quý II năm nay, TP.HCM mới đưa vào sử dụng được 2 dự án NOXH, quy mô 623 căn. Hiện, 7 dự án NOXH, với gần 5.000 căn đang thi công. 82 dự án đang được thống kê theo dõi trong kế hoạch phát triển NOXH.

Chuyên đề