Kiến nghị luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã đem lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi văn bản này vẫn còn nhiều vướng mắc. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng cần sửa đổi, luật hóa nghị quyết này để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu trong thời gian tới.
Sau gần 4 năm thực hiện xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14, hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 530 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Ảnh: Nhã Chi
Sau gần 4 năm thực hiện xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14, hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 530 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Ảnh: Nhã Chi

Sau gần 4 năm thực hiện xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 (hiệu lực từ 15/8/2017 đến 15/8/2022), đến nay, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được khoảng 530 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Theo đại diện Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Nghị quyết đã tạo hành lang pháp lý, là cơ sở để các TCTD đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, làm thay đổi ý thức trả nợ của khách hàng, khẳng định được quyền của chủ nợ trong giao dịch dân sự vay, trả. Tại SHB, việc thu hồi nợ được thực hiện theo cách thức ưu tiên áp dụng các giải pháp thu nợ thông qua thuyết phục, động viên khách hàng hợp tác trả nợ, tự nguyện bàn giao tài sản bảo đảm để Ngân hàng chủ động xử lý. Đối với khách hàng không hợp tác, Ngân hàng phân tách tài sản thành các lớp để xử lý, hạn chế tối đa các tác động gây bất ổn cho trật tự xã hội trong triển khai thu giữ tài sản bảo đảm.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, Nghị quyết số 42/2017/QH14 tạo điều kiện cho các TCTD được phép chủ động quyết định biện pháp xử lý khoản nợ là bán nợ, thu giữ tài sản cho dù có hay không có sự đồng ý của bên vay/bên bảo đảm. Quy định này đã tạo áp lực rất lớn buộc bên vay/bên bảo đảm phải có trách nhiệm trong việc trả nợ và phải hợp tác với các TCTD trong quá trình xử lý nợ.

Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, các cơ chế, quy định tại Nghị quyết chỉ được thí điểm trong 5 năm, trong khi đó, nợ xấu luôn tồn tại song song với hoạt động cho vay của các TCTD. Do đó, việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu là rất cần thiết. Khi đó, lĩnh vực xử lý nợ xấu sẽ có văn bản luật riêng để điều chỉnh, các quy định xử lý nợ xấu sẽ có giá trị pháp lý cao hơn, giúp ngành ngân hàng và các cơ quan nhà nước liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.

Đồng tình với ý kiến trên, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, cần giải quyết các vấn đề vướng mắc trong thực thi Nghị quyết số 42/2017/QH14 và luật hóa văn bản này để quá trình xử lý nợ xấu được thực hiện thuận lợi và đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.

Ông Lực chỉ ra một số vướng mắc “nổi cộm” trong quá trình thực hiện nghị quyết này. Đó là sự vào cuộc, kết hợp của các cơ quan chức năng, địa phương còn chưa kịp thời, chưa đồng bộ và nhất quán, dẫn đến quá trình thực thi gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn, chỉ cần bên vay không thống nhất với TCTD về dư nợ hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt hay từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo đảm… thì tòa án sẽ không áp dụng thủ tục rút gọn. Kết quả, đến nay số lượng hồ sơ được áp dụng theo thủ tục rút gọn rất hạn chế. Tại mỗi vụ thu giữ tài sản bảo đảm, công an và chính quyền địa phương vào cuộc không quyết liệt, dẫn đến hiện tượng chây ì, thậm chí hăm dọa cán bộ tín dụng.

Bên cạnh đó, quyền thu giữ tài sản bảo đảm của TCTD là một trong những nội dung trọng tâm nhưng Nghị quyết không quy định chế tài xử lý hoặc cơ chế, cách thức tiến hành cưỡng chế trong trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản không hợp tác.

Thêm vào đó, do tòa án, cơ quan thi hành án dân sự không có hệ thống dữ liệu cho phép các TCTD trích xuất, tra cứu thông tin về hiện trạng tài sản có liên quan đến vụ việc đang được thụ lý giải quyết, nên không biết tài sản có tranh chấp, vướng mắc gì hay không.

Hơn nữa, còn thiếu hướng dẫn về cơ sở xác định giá trị khoản nợ và tài sản bảo đảm. Đồng thời, việc giới hạn tổ chức thẩm định giá phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố đã làm hạn chế cơ hội lựa chọn tổ chức định giá có đủ uy tín, năng lực để thực hiện định giá tài sản.

Ở góc độ thị trường, Việt Nam vẫn còn thiếu vắng một thị trường mua bán nợ chính thức thực sự, các nghiệp vụ phái sinh cho khoản nợ xấu (như chứng khoán hóa) chưa có, dẫn đến thiếu nhà đầu tư có năng lực, thiếu tính thanh khoản của các khoản nợ, làm giảm tính hấp dẫn, giá trị và nguồn lực để xử lý các khoản nợ này, khiến quá trình mua - bán nợ theo giá thị trường càng khó khăn.

Chuyên đề