Không có chuyện làm đẹp số liệu khi tính CPI

(BĐT) - Tổng cục Thống kê vừa công bố Danh mục hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng và quyền số tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) áp dụng cho giai đoạn 2016 -2020. Theo cách tính CPI cho giai đoạn này, thì quyền số tính CPI của từng nhóm hàng hóa đã có sự thay đổi đáng kể so với giai đoạn 2009 – 2014
Một số mặt hàng mới phổ biến trong tiêu dùng đã được bổ sung vào “rổ” hàng hoá tính CPI. Ảnh: Lê Tiên
Một số mặt hàng mới phổ biến trong tiêu dùng đã được bổ sung vào “rổ” hàng hoá tính CPI. Ảnh: Lê Tiên

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK), CPI là một chỉ tiêu thống kê tương đối phản ánh xu hướng và mức độ biến động về giá cả theo thời gian của các loại hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng hàng ngày của người dân. Để tính CPI, cần xác định Danh mục hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phổ biến của người dân và thực hiện thu thập giá hàng tháng đối với các loại hàng hóa và dịch vụ này; đồng thời xác định quyền số cố định tương ứng với các nhóm trong Danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện.  

“Quyền số CPI được cập nhật qua các thời kỳ. Khi nền kinh tế phát triển và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, hàng hóa và dịch vụ tạo ra trên thị trường đa dạng với chất lượng và mẫu mã sản phẩm luôn được nâng cao tạo nhiều lựa chọn cho người sử dụng. Mặt khác, đời sống của người dân được cải thiện, dẫn tới cơ cấu chi tiêu dùng thay đổi qua các năm, điều này đòi hỏi TCTK phải cập nhật Danh mục mặt hàng đại diện và quyền số chi tiêu dùng cuối cùng của người dân tương ứng với Danh mục đó”, ông Nguyễn Bích Lâm giải thích và cho biết: “Để xây dựng Danh mục mặt hàng đại diện dùng trong điều tra giá tiêu dùng, TCTK đã tiến hành khảo sát thị trường tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở kết quả khảo sát, TCTK đã loại bỏ một số loại hàng hoá không còn phổ biến tiêu dùng và bổ sung thêm những mặt hàng mới, nay đã trở nên phổ biến trong tiêu dùng dân cư. Tổng số mặt hàng đại diện trong “rổ” hàng hoá thời kỳ 2016-2020 gồm 654 mặt hàng, tăng 82 mặt hàng so với “rổ” hàng hoá kỳ trước”, . 

Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá thuộc TCTK cho biết, để tính quyền số phục vụ tính CPI thời kỳ 2016-2020, TCTK đã thực hiện thu thập thông tin tính quyền số chỉ số giá tiêu dùng từ cuộc khảo sát mức sống dân cư và điều tra quyền số CPI được thực hiện trong năm 2014 với dàn mẫu là 62.655 hộ dân cư tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong 4 kỳ điều tra  nhằm loại trừ yếu tố mùa vụ. 

Theo cách tính CPI cho giai đoạn 2016-2020, thì quyền số tính CPI của từng nhóm hàng hóa đã có sự thay đổi đáng kể so với giai đoạn 2009-2014. 

Giải thích về sự thay đổi này, ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định, TCTK luôn điều tra, cập nhật, bổ sung đầy đủ các mặt hàng thực tế dân cư tiêu dùng. Nếu như giai đoạn 2010-2015, tổng số hàng hóa, dịch vụ mà cư dân thường xuyên tiêu dùng được thu thập trong “rổ hàng hóa” tính CPI chỉ có 572 nhóm (tăng 78 nhóm so với giai đoạn trước) thì số lượng hàng hóa, dịch vụ để tính CPI trong giai đoạn 2016-2020 tăng thêm 82 nhóm hàng hóa, dịch vụ, lên 654 loại hàng hóa, dịch vụ.

“Chúng tôi dựa vào điều tra, khảo sát tiêu dùng của dân cư và nhiều dữ liệu khác thì thấy rằng, một số hàng hóa bây giờ người dân không còn tiêu dùng nữa hoặc tiêu dùng rất ít nên đã loại ra khỏi “rổ hàng hóa”, ngược lại trong thời gian vừa qua, rất nhiều sản phẩm mới đã xuất hiện, nhiều loại hàng hóa, dịch vụ được người dân thực tế sử dụng thì đưa vào trong “rổ hàng hóa” tính CPI. Rổ hàng hóa mới này bắt đầu đưa vào tính CPI kể từ năm 2016”, ông Lâm cho biết và khẳng định, cách tính CPI của Việt Nam thực hiện theo thông lệ quốc tế, phương pháp tính khoa học đang được hầu hết các nước trên thế giới sử dụng và không có chuyện “làm đẹp số liệu”.

Cách xác định từng loại hàng hóa, dịch vụ để đưa vào hoặc đưa ra khỏi “rổ hàng hóa” tính CPI, theo bà Vũ Thị Thu Thủy ngày càng chính xác hơn, khách quan hơn do số lượng hàng hóa, dịch vụ đưa vào “rổ hàng hóa” tính CPI mỗi lần một tăng lên từ 494 mặt hàng trong giai đoạn 2005-2010 lên 572 mặt hàng vào giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020 là 654 mặt hàng.

“Bên cạnh đó, số lượng hộ dân được cơ quan thống kê trực tiếp điều tra, khảo sát về việc chi tiêu cũng tăng lên từ khoảng 45.000 hộ trong giai đoạn trước lên gần 62.700 hộ gia đình. Trong phiếu khảo sát, chúng tôi hỏi rất chi tiết, cụ thể về chi tiêu của từng hộ gia đình, như tiêu dùng loại hàng hóa gì, chi tiêu bao nhiêu… trên cơ sở đó lập Danh mục hàng hóa đại diện hàng hóa để tính quyền số xác định CPI”, bà Thủy thông tin và khẳng định, 654 mặt hàng hóa, dịch vụ để tính CPI cho giai đoạn tới đủ mức đại diện cho tiêu dùng của tuyệt đại đa số người dân nên CPI xác định khá chính xác.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư