Khơi thông điểm nghẽn hạ tầng logistics

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngành logistics Việt Nam đang trong giai đoạn “chuyển mình” mạnh mẽ, đứng thứ 11 trong các thị trường mới nổi năm 2022. Ngành này đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm 14 - 16%, là mức cao so với bình quân thế giới (từ 4 - 5%). Tuy nhiên, năng lực vận hành và hiệu quả trong hoạt động cung cấp các dịch vụ logistics vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan hay Indonesia.
Hạ tầng logistics chưa đồng bộ, còn phân tán, thiếu tính kết nối giữa các khâu từ vận chuyển hàng hóa tới lưu trữ kho bãi và quản trị chuỗi cung ứng. Ảnh: Tiên Giang
Hạ tầng logistics chưa đồng bộ, còn phân tán, thiếu tính kết nối giữa các khâu từ vận chuyển hàng hóa tới lưu trữ kho bãi và quản trị chuỗi cung ứng. Ảnh: Tiên Giang

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là hạ tầng logistics hiện chưa đồng bộ, còn phân tán, thiếu tính kết nối giữa các khâu từ vận chuyển hàng hóa tới lưu trữ kho bãi và quản trị chuỗi cung ứng. Quy mô và phạm vi dịch vụ của các trung tâm logistics còn hạn chế, chủ yếu phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp (DN) hoặc trong phạm vi mang tính địa phương, chưa phát triển đến quy mô phục vụ 1 ngành hoặc 1 vùng kinh tế.

Bà Lê Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Thương mại Công ty SLP Việt Nam phân tích, nền tảng hệ thống kho bãi của Việt Nam có quy chuẩn chưa cao, được thiết kế và quy hoạch không đồng đều. Phần lớn diện tích kho bãi đang tập trung ở các tỉnh thành phía Nam, chỉ có 30% diện tích kho bãi được xây dựng và quy hoạch ở miền Bắc. Đây chính là rào cản lớn đối với các hoạt động vận chuyển hàng hóa, lưu trữ kho bãi, quản trị chuỗi cung ứng.

“Việt Nam có hơn 5.000 DN tham gia thị trường logistics, nhưng hầu hết đều có quy mô nhỏ lẻ. Khá nhiều DN chưa cung ứng được các dịch vụ xâu chuỗi trong toàn bộ chuỗi cung ứng, mà chủ yếu làm đại lý, hoặc đảm nhận từng công đoạn với vai trò là nhà thầu phụ trong dây chuyền logistics cho các DN logistics quốc tế”, bà Diệp nhận xét.

Theo ông Nguyễn Công Bằng, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải thuộc Bộ Giao thông vận tải, có tình trạng cạnh tranh giữa các tỉnh, thay vì đồng bộ với nhau, kết nối để tạo ra môi trường đầu tư công bằng và tăng hiệu quả trong việc vận chuyển và tiêu dùng.

Về phía quản lý nhà nước, theo ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), các cơ quan chức năng chưa tạo được điều kiện và hỗ trợ DN một cách hiệu quả. Ví dụ như Kế hoạch hành động quốc gia nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistic Việt Nam đến năm 2025 không có cam kết về ngân sách, thậm chí không có bộ máy chuyên trách quản lý. Khi triển khai cụ thể tại địa phương, Kế hoạch thường được đơn giản hóa do điều kiện thực tế của các địa phương, không còn xuyên suốt và kịp thời. Các quy hoạch thiếu đồng bộ giữa các bộ ngành và không chuyên nghiệp, thiếu tầm nhìn, thực thi chậm, nhất là trong hạ tầng giao thông vận tải…

Để tháo gỡ các “nút thắt” nêu trên, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, đầu tiên, cần có chương trình hành động quốc gia về logistics và nguồn vốn hỗ trợ DN phát triển công nghệ. Các địa phương cần chủ động đưa ra mức ngân sách hay quỹ hỗ trợ của địa phương, nhất là hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; cần có giải pháp phát triển thị trường chung, chống đứt gãy chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, cần đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông liên kết đến các khu vực tiềm năng phát triển hạ tầng khu công nghiệp và logistics, đặc biệt tại 2 đầu tàu kinh tế của cả nước là Hà Nội và TP.HCM. Xây dựng được các trung tâm logistics lớn, các DN logistics lớn đủ tiềm lực để khép kín hệ sinh thái logistics. Hiện đại hóa dịch vụ logistics với việc tích hợp mô hình nhà kho thông minh, cảng thông minh để giải quyết tốt bài toán luân chuyển và kế hoạch vận hành cho nhiều bên, bao gồm nhà sản xuất, xuất nhập khẩu, hãng tàu, các bên liên quan khác.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hơn, ông Nguyễn Thành Văn - Giám đốc Công ty Global Robotics Service Việt Nam cho rằng, DN cần áp dụng “mô hình dịch vụ chia chọn tự động - RaaS” giúp các DN “thuê” robot dưới dạng một sản phẩm dịch vụ chia chọn bao gồm tất cả từ khâu thiết bị, phần mềm đến cả việc bảo trì hệ thống.

Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đề xuất, cần xây dựng liên minh công nghệ để kết nối các hệ thống, hệ sinh thái. Các DN phần mềm cần nghiên cứu xây dựng quy trình dùng chung trên nền tảng công nghệ để giúp xử lý hiệu quả khiếu nại đơn hàng và chăm sóc khách hàng trong chuỗi cung ứng. Dù áp dụng công nghệ nào thì con người vẫn là chủ lực, do vậy, cần có một ban chuyên gia tư vấn và kết nối về chuyển đổi số giúp DN định hình hướng đi, đầu tư công nghệ phù hợp.

Về phía Nhà nước, ông Đào Trọng Khoa kiến nghị cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển chương trình hành động quốc gia về logistics, các chương trình phát triển năng lực thực tế; xác định rõ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển công nghệ logistics để DN dễ dàng tiếp cận… Để chống đứt gãy chuỗi cung ứng như bài học từ đại dịch Covid-19, VLA có thể cùng với các hiệp hội ngành hàng, các cơ quan chức năng xây dựng chương trình phát triển thị trường chung, ví dụ như phát triển thị trường nông sản trong khu vực Indo-Pacific…

Chuyên đề