Gói thầu Cung cấp máy biến áp cho Nhà máy Hóa chất Biên Hòa: Vì sao chọn giá cao, loại giá thấp?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhà thầu kiến nghị cho rằng, việc bên mời thầu loại nhà thầu có giá dự thầu thấp nhất và lựa chọn nhà thầu có giá cao là chưa hợp lý.
Theo Bên mời thầu, HSDT của nhà thầu kiến nghị không đề cập đến mã hiệu của hàng hóa nên không đáp ứng về thông số kỹ thuật của thiết bị theo yêu cầu của HSMT. Ảnh: Nhã Chi
Theo Bên mời thầu, HSDT của nhà thầu kiến nghị không đề cập đến mã hiệu của hàng hóa nên không đáp ứng về thông số kỹ thuật của thiết bị theo yêu cầu của HSMT. Ảnh: Nhã Chi

Công ty CP Chế tạo thiết bị điện Việt Nam (gọi tắt là TBĐ Việt Nam) cho rằng, việc Công ty CP Hóa chất cơ bản miền Nam (Bên mời thầu - BMT) loại nhà thầu có giá dự thầu thấp nhất và lựa chọn nhà thầu có giá cao tại Gói thầu số 03 Cung cấp máy biến áp 3 pha thuộc Dự án Mua sắm thiết bị tại Nhà máy Hóa chất Biên Hòa là chưa hợp lý. Tuy nhiên, Công ty CP Hóa chất cơ bản miền Nam (HCCB miền Nam) bác bỏ cáo buộc này.

Nhà thầu liên tục kiến nghị

TBĐ Việt Nam cho biết, Công ty tham dự Gói thầu số 03 với giá chào thầu thấp nhất (2.051.753.360 đồng). Trong thời gian từ ngày đóng thầu (22/5/2020) đến ngày 1/7/2020, Công ty không nhận được bất kỳ yêu cầu làm rõ nào từ BMT.

Đến 8h16 ngày 2/7/2020 Công ty nhận được Quyết định số 649/QĐ-HCCB ký ngày 29/6/2020 của HCCB miền Nam về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) của Gói thầu. Ngoài quyết định này, Công ty không nhận được văn bản nào liên quan đến việc đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) và không rõ lí do vì sao Công ty bị loại.

Ngày 2/7/2020, Công ty có Công văn số 273/CV-HAVEC yêu cầu HCCB miền Nam làm rõ lí do vì sao Công ty bị loại trong khi năng lực về tài chính và kỹ thuật hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của Gói thầu. Ngày 3/7/2020, phía Công ty cũng như các nhà thầu khác tham dự Gói thầu mới nhận được Công văn số 673/HCCB-BMT ký ngày 3/7/2020 của HCCB miền Nam qua email về việc thông báo KQLCNT.

Ngày 6/7/2020, TBĐ Việt Nam lại tiếp tục gửi Công văn số 273/CV-HAVEC để làm rõ 2 vấn đề: Một là, vì sao Quyết định phê duyệt KQLCNT số 649/QĐ-HCCB ngày 29/6/2020 lại có trước Thông báo KQLCNT số 673/HCCB-BMT ngày 3/7/2020? Hai là, lí do TBĐ Việt Nam không đạt theo Thông báo KQLCNT số 673/HCCB-BMT ngày 3/7/2020 là "đầu cáp và dây cáp không có model". Trong khi đó, HSDT của Công ty đã cung cấp đầy đủ giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất cũng như hồ sơ năng lực của nhà sản xuất cho các chủng loại mặt hàng là đầu cáp và dây cáp đáp ứng đầy đủ yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT).

Bên mời thầu khẳng định đã làm đúng

Về vấn đề thứ nhất, tại buổi làm việc với phóng viên vào sáng ngày 14/7/2020, HCCB miền Nam cho rằng, đã có phản hồi bằng Công văn số 676/HCCB-BMT ngày 6/7/2020, trong đó cho biết, ngày 2/7/2020, BMT đã hoàn thành việc đăng tải KQLCNT lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, có đình kèm Báo cáo đánh giá HSDT, Quyết định phê duyệt KQLCNT số 649/QĐ-HCCB ngày 29/6/2020.

Tiếp đó, ngày 3/7/2000, HCCB miền Nam đã gửi thông báo KQLCNT cho tất cả các nhà thầu tham dự, trong đó có nêu đầy đủ: thông tin về gói thầu, thông tin về nhà thầu trúng thầu, chủng loại hàng hóa của nhà thầu trúng thầu, danh sách nhà thầu không được lựa chọn và tóm tắt lý do không được lựa chọn của từng nhà thầu. Kể từ ngày HCCB miền Nam có Quyết định phê duyệt KQLCNT đến ngày đăng tải KQLCNT, gửi Thông báo KQLCNT là không quá 5 ngày làm việc, tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.

Riêng vấn đề thứ hai, TBĐ Việt Nam cho hay, Công ty chưa nhận được phản hồi; không thấy BMT yêu cầu các nhà thầu làm rõ theo luật định mà quyết định loại 3 nhà thầu có giá dự thầu thấp nhất và lựa chọn nhà thầu có giá chào thầu đứng thứ 4 là Công ty TNHH Sông Hồng Việt với giá dự thầu là 2.959.000.000 đồng, cao hơn 907.246.640 đồng so với nhà thầu có giá chào thầu thấp nhất là TBĐ Việt Nam.

Lên quan đến vấn đề này, đại diện HCCB miền Nam cho biết, HSDT của TBĐ Việt Nam không đề cập mã hiệu của hàng hóa cung cấp là đầu cáp và dây cáp, không đáp ứng yêu cầu quy định tại Chương V của HSMT: “Nhà thầu phải nêu rõ tình trạng, nhà sản xuất, nguồn gốc xuất xứ, nhãn hiệu của hàng hóa được chào thầu”. Tiêu chuẩn đánh giá HSDT nêu tại Chương 3 của HSMT quy định: HSDT không nêu hoặc có nêu nhưng không đầy đủ tình trạng, nhà sản xuất, nguồn gốc xuất xứ, nhãn hiệu của hàng hóa được chào thầu thì bị đánh giá là không đạt”. Như vậy, HSDT của TBĐ Việt Nam không đáp ứng yêu cầu về thông số kỹ thuật của thiết bị.

Chuyên đề