Gian nan kiểm soát biến động giá vàng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng trong nước tăng hơn 22%. Bên cạnh việc tổ chức đấu thầu vàng từ kho dự trữ và cho phép nhập khẩu vàng để đáp ứng nguồn cung, cần tiếp tục tính đến việc liên thông với thị trường vàng thế giới để quản lý thị trường vàng hiệu quả, hiện đại hơn.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đấu thầu vàng với khối lượng phù hợp để tăng cung, giảm chênh lệch với giá thế giới. Ảnh: Nhã Chi
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đấu thầu vàng với khối lượng phù hợp để tăng cung, giảm chênh lệch với giá thế giới. Ảnh: Nhã Chi

Đến 16h ngày 13/5, giá mua và giá bán vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 87,5 triệu đồng/lượng và 90 triệu đồng/lượng, tăng đáng kể từ mức 85,5 triệu đồng/lượng và 88,5 triệu đồng/lượng vào sáng cùng ngày. Trước đó, trong 5 ngày (6 - 10/5), giá vàng miếng SJC tăng 6,5 triệu đồng/lượng. Đặc biệt, chỉ trong ngày 10/5, giá vàng tăng 3 triệu đồng/lượng, lên mức kỷ lục 90,1 triệu đồng/lượng (mua vào) và 92,4 triệu đồng/lượng (bán ra), đắt hơn giá vàng thế giới 20 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng thế giới ngày 13/5 được giao dịch ở mức 2.356 USD/oz, tăng 14% so với đầu năm nay (giá vàng ngày 31/12/2023 là 2.060 USD/oz). Thị trường vàng trong nước không chỉ chứng kiến đà tăng quá lớn so với giá vàng thế giới mà đã xuất hiện tình trạng thiếu cung rõ rệt khi nhiều cửa hàng giới hạn số lượng vàng được mua theo từng người trong ngày.

Trước thực trạng đó, quản lý thị trường vàng là vấn đề “nóng” được thảo luận trong nội dung về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024 tại Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/3. Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt vấn đề: “Giá vàng “nhảy múa” thì công tác quản lý thế nào? Chưa bao giờ tôi thấy thị trường tăng - giảm đột biến như thế, không lẽ cứ để như vậy?". Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu: “thấy sốt ruột khi chỉ đạo mà giá ngày càng tăng”. Bà Nga đề nghị cần có “bàn tay” của Nhà nước can thiệp vào thị trường vàng.

Giải trình tại Phiên họp, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà thừa nhận, từ năm 2022 trở lại đây, thị trường vàng trong nước bộc lộ nhiều hạn chế, nguyên nhân chủ yếu do giá vàng thế giới tăng và nguồn cung trong nước hạn chế. Phó thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, NHNN sẽ tiếp tục đấu thầu với khối lượng phù hợp để tăng cung, nhằm ổn định và giảm chênh lệch với giá thế giới. NHNN sẽ đề xuất sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trong thời gian tới.

Thị trường vàng trong nước không chỉ chứng kiến đà tăng quá lớn so với giá vàng thế giới mà đã xuất hiện tình trạng thiếu cung rõ rệt. Ảnh: Nhã Chi

Thị trường vàng trong nước không chỉ chứng kiến đà tăng quá lớn so với giá vàng thế giới mà đã xuất hiện tình trạng thiếu cung rõ rệt. Ảnh: Nhã Chi

Cũng tại Phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, thị trường vàng cần được kiểm soát bằng các giải pháp đồng bộ. Theo đó, NHNN cần đánh giá toàn diện thị trường, xem nhu cầu vàng có thật hay không, tình trạng nhập lậu thế nào.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, thậm chí, có ý kiến cho rằng đã hình thành thị trường ngầm về giao dịch vàng, ngoại tệ từ lâu với quy mô lớn, phức tạp và khó kiểm soát.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI) cho rằng, giá vàng trong nước biến động mạnh chủ yếu do cung - cầu thị trường không cân đối và khó tính toán. Về cầu, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước chưa phục hồi tích cực, lãi suất huy động ở mức thấp, nhu cầu tích trữ vàng và kỳ vọng hưởng lợi lớn chắc chắn tăng. Về cung, khả năng đáp ứng nhu cầu vàng hiện ở mức thấp, giải pháp tăng cung vàng miếng bằng cách đấu thầu vàng của NHNN trong những ngày gần đây cũng không thành công, dẫn đến nguồn cung vàng chưa cải thiện.

“Thực tế, giải pháp ứng phó với sức cầu tăng trên thị trường vàng là đã cũ và không phù hợp với quy mô của nền kinh tế và nguồn ngoại tệ dự trữ để đáp ứng. Nếu tăng nhập khẩu vàng thì sẽ tốn lượng ngoại tệ đáng kể. Với mức phát triển và quy mô của nền kinh tế hiện nay, trong khi lượng dự trữ ngoại hối không lớn thì việc đáp ứng nhu cầu vàng vật chất cần nhiều giải pháp hơn. Giải pháp cần tính đến là thiết lập càng sớm càng tốt trung tâm giao dịch vàng tài khoản có liên thông với vàng vật chất”, ông Minh nói.

Từ ngày 23/4 đến nay, NHNN đã tổ chức 5 phiên đấu thầu vàng. Trong đó, có 3 phiên bị hủy thầu và 2 phiên đấu thầu thành công, tổng số lượng vàng đấu thầu thành công là 6.800 lượng.

Cụ thể, phiên đấu thầu ngày 8/5 diễn ra thành công với 3 đơn vị trúng thầu 34 lô, tương đương 3.400 lượng, giá trúng thầu 86,05 triệu đồng/lượng. Phiên đấu thầu vàng miếng SJC sáng 3/5 bị hủy bỏ do chỉ có 1 đơn vị nộp phiếu dự thầu. Trước đó, vào ngày 22/4 và 25/4, phiên đấu thầu vàng cũng bị hủy vì lý do tương tự. Phiên đấu thầu vàng ngày 23/4 có 2 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng 34 lô, tương đương 3.400 lượng, giá trúng thầu cao nhất 82,33 triệu đồng/lượng.

Dự kiến, ngày 14/5, NHNN tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu vàng thứ 6, tổng khối lượng vàng miếng đấu thầu là 16.800 lượng, giá tham chiếu để tính giá đặt cọc là 88 triệu đồng/lượng.

Vị chuyên gia này cho rằng, phần lớn người mua vàng vật chất chủ yếu để tích trữ và đầu cơ chờ giá lên, chỉ một bộ phận nhỏ người mua vàng vật chất dùng làm vàng trang sức, quà tặng. Vì vậy, việc lập trung tâm giao dịch vàng sẽ giải quyết được nhu cầu tích trữ tài sản và kiếm lời từ giao dịch, đồng bộ với việc chuẩn hóa thị trường bằng các quy định về giao dịch, bù trừ vàng vật chất. Cần tổ chức một thị trường vàng hiện đại trên cơ sở các nền tảng đã được xây dựng như thị trường chứng khoán phái sinh, thị trường hàng hóa phái sinh và học hỏi kinh nghiệm từ việc tổ chức sàn giao dịch vàng của các nước.

“Một số quốc gia áp dụng quy định về giao dịch vàng theo hướng nếu rút vàng vật chất thì chịu thuế giá trị gia tăng, còn nếu giao dịch vàng sinh lợi thì chịu một mức thuế thu nhập nhất định. Như vậy, Nhà nước quản lý được thị trường vàng hiệu quả hơn”, ông Minh chia sẻ.

Từ góc độ khác, TS. Châu Đình Linh, giảng viên tại Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, giải pháp trước mắt là tính toán để cân đối nguồn ngoại tệ để cho phép nhập khẩu thêm vàng cùng với tiếp tục đấu thầu vàng miếng nhằm tăng cung, góp phần hạ nhiệt thị trường. Về trung và dài hạn, cần thiết lập trung tâm giao dịch vàng do Nhà nước quản lý để liên thông với thị trường vàng thế giới, bảo đảm cung cầu thị trường, và hướng tới việc phát triển thị trường vàng hiện đại trong tổng thể thị trường tài chính Việt Nam.

Chuyên đề