Vietcombank cam kết từ 1/1 đến hết 30/4/2023 giảm 0,5%/năm lãi suất cho tất cả khách hàng có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới tại ngân hàng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Nova (Novaland) cho biết, từ năm 2022, lãi suất đã tăng khá nhanh, có khoản vay lãi suất tăng gần 30%. Nếu mức tăng này tiếp tục duy trì thì dự án đang lãi ở mức lãi suất cũ sẽ thành lỗ ở mức lãi suất mới. Do đó, doanh nghiệp (DN) này đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại có biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất huy động, qua đó nhanh chóng giảm lãi suất cho vay, góp phần phục hồi thị trường bất động sản.
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công cho biết, rất nhiều DN hoạt động bằng vốn vay, dù vay USD hay VND thì việc lãi suất tăng đều tác động tiêu cực, làm đội chi phí tài chính của DN.
Ông Đặng Ngọc Quý, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Chế biến - Xuất nhập khẩu trái cây Tam Nguyên (tỉnh Tây Ninh) phản ánh, thông tin công bố cho thấy nhiều ngân hàng mở rộng gói vay tín dụng ưu đãi, nhưng thực tế DN không tiếp cận được. Lãi suất cho vay hiện ở mức 14 - 15%/năm chắc chắn khó cho DN, nhưng càng khó hơn khi DN chấp nhận lãi suất cao mà vẫn không tiếp cận được vốn tín dụng, thậm chí phải xoay xở vay "nóng" bên ngoài.
Khảo sát của Công ty CP Chứng khoán SSI cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng đã điều chỉnh giảm tại một số ngân hàng, nhưng mức độ giảm không đáng kể. Hiện tại, lãi suất huy động trong khoảng 8 - 9,5%/năm đối với kỳ hạn từ 6 - 12 tháng, lãi suất cho vay không có nhiều thay đổi, vẫn ở mức trung bình khoảng 12 - 16%/năm.
Trong khi đó, một số ngân hàng đã công bố chương trình vay ưu đãi, giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng. Mới nhất, VietinBank công bố triển khai gói ưu đãi lãi suất SME UP có quy mô 10.000 tỷ đồng, áp dụng cho các DN nhỏ và vừa lần đầu vay vốn tại VietinBank, hoặc chưa giải ngân khoản vay trong vòng 6 tháng qua.
Trước đó, Vietcombank cam kết từ 1/1 đến hết 30/4/2023 giảm 0,5%/năm lãi suất cho tất cả khách hàng có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới tại ngân hàng, trừ nhóm khách hàng hoạt động trong lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán...
Agribank cũng vừa công bố, những khách hàng có dư nợ vay kinh doanh bất động sản tại thời điểm 31/1/2023 gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 hoặc do ảnh hưởng bởi kinh tế vĩ mô sẽ được Agribank xem xét áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất. Cụ thể, khoản vay kinh doanh bất động sản có thể được điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng. Thời gian thực hiện điều chỉnh lãi suất tối đa đến 31/12/2023 và thời gian áp dụng lãi suất điều chỉnh kéo dài từ 31/1/2023 đến hết ngày 31/12/2024…
Nhóm nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán VNDirect kỳ vọng lãi suất huy động sẽ đạt đỉnh trong quý I/2023 và giảm dần kể từ quý II/2023 với một số lý do. Trước hết, thị trường dự báo đỉnh chu kỳ tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ở mức 5,25%, tức còn hai lần tăng 0,25 điểm % lãi suất vào cuộc họp tháng 3 và tháng 5 tới. Theo đó, áp lực lên tỷ giá USD/VND có thể hạ nhiệt đáng kể trong nửa sau của năm 2023 khi Fed ngừng tăng lãi suất điều hành.
Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng chậm lại do nhiều DN có thể hoãn mở rộng sản xuất kinh doanh vì lo ngại tiêu dùng suy yếu. Ngoài ra, thị trường bất động sản ảm đạm sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng. VNDirect kỳ vọng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng sẽ giảm dần về mức 6,7% và 7,5% vào cuối năm 2023.
Từ góc độ khác, PGS.TS. Phạm Thế Anh, giảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, trong trường hợp xấu, Fed có thể tăng lãi suất lần nữa vào tháng 3 năm nay và đến tháng 5 có lẽ sẽ dừng tăng. Theo đó, sức ép làm lãi suất tại Việt Nam tăng tiếp là rất ít nên có thể lãi suất hiện nay đã là đỉnh và trên đà đi xuống, nhưng giảm nhanh hay chậm phụ thuộc vào quan điểm của nhà điều hành, đặc biệt từ việc quan sát các dấu hiệu lạm phát trong nước và trên thế giới.
Mặt khác, theo ông Thế Anh, lãi suất thực (xấp xỉ lãi suất danh nghĩa trừ đi tỷ lệ lạm phát) của Việt Nam vẫn cao hơn hầu hết các nước trên thế giới nên nhiều khả năng Việt Nam sẽ hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. “Nếu đặt lãi suất trong mối tương quan với lạm phát và các yếu tố hỗ trợ kinh tế vĩ mô khác, thì dư địa hạ lãi suất của Việt Nam là có. Mặt bằng lãi suất giảm vừa giúp DN tiếp cận vốn thuận lợi hơn, vừa khiến kênh đầu tư vào tài sản trở nên hấp dẫn hơn, đặc biệt là thị trường vốn, nhờ đó hỗ trợ tốt cho DN”, ông Thế Anh nói.