Giảm mặt bằng lãi suất: Kỳ vọng xa xôi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặt bằng lãi suất huy động hiện vẫn ở mức khá cao, lên đến trên 10%/năm với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tại nhiều ngân hàng. Trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất, các kênh huy động vốn của nền kinh tế vẫn khó khăn, lãi suất cho vay khó có thể giảm như mong muốn của doanh nghiệp (DN), ngân hàng và cơ quan chức năng.
Lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh hiện nay của các ngân hàng phổ biến ở mức trên 13% - 15%/năm với các khoản vay trung và dài hạn. Ảnh: Nhã Chi
Lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh hiện nay của các ngân hàng phổ biến ở mức trên 13% - 15%/năm với các khoản vay trung và dài hạn. Ảnh: Nhã Chi

Dù đã giảm khoảng 0,1 - 0,5 điểm % so với cuối năm 2022, song lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn ở mức khá cao, phổ biến từ 8,2 - 9,9%/năm với kỳ hạn 6 tháng và 10%/năm trở lên với kỳ hạn từ 12 tháng. Tại 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng ở mức 6%/năm và lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng ở mức 7,4%/năm. Dù các ngân hàng đã cam kết giữ lãi suất huy động ở mức dưới 9,5%/năm nhưng thực tế nhiều khoản tiền gửi vẫn có mức lãi suất cao với các hình thức “thưởng lãi suất” khác nhau.

Đáng chú ý, trong những ngày đầu tháng 2, lãi suất liên ngân hàng (lãi suất vay bằng VND giữa các ngân hàng) kỳ hạn 9 tháng có thời điểm lên tới 13%/năm, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 6 tháng cũng phổ biến ở mức trên 9,6%/năm cho thấy, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng có thời điểm rất căng thẳng.

Phản ánh từ DN và nhiều khách vay cho biết, lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh hiện nay của các ngân hàng phổ biến ở mức trên 13% - 15%/năm với các khoản vay trung và dài hạn, cao hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 2 điểm %, khiến chi phí đầu vào của DN ở mức cao, trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA) cho biết, nếu lãi suất dài hạn trên 10% thì DN "không có cửa" để đầu tư. “Ngân hàng là DN, cần có lợi nhuận để bảo đảm quyền lợi của ngân hàng và các cổ đông, nhưng cũng nên chia sẻ với cộng đồng DN. Hiện nay, nhiều DN sử dụng bất động sản làm tài sản thế chấp để vay vốn. Trong bối cảnh giá bất động sản giảm, tỷ lệ giải ngân trên giá trị bất động sản giảm, nguồn vốn giải ngân cho DN rất thấp. Một số DN đã ký hợp đồng vay nhưng bị giảm giá trị giải ngân nên buộc phải bổ sung tài sản thế chấp. Thực tế này đang tạo thêm áp lực cho DN”, ông Hòa cho biết.

Để hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn, theo ông Hòa, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại cần có giải pháp rõ ràng hơn nữa. Đơn cử, TP.HCM có chương trình cho vay kích cầu đầu tư hỗ trợ rất tốt cho DN giai đoạn 2016 - 2020, nhưng từ năm 2021 đến nay bị dừng. Cộng đồng DN rất mong TP.HCM nối lại chương trình này để hỗ trợ vốn kích cầu đầu tư cho các ngành.

Về triển vọng lãi suất thời gian tới, Công ty phân tích tài chính FiinRatings kỳ vọng, mặt bằng lãi suất tại Việt Nam sẽ neo cao trong ít nhất nửa đầu năm 2023 trước khi hạ nhiệt. FiinRatings dự báo sẽ không còn đợt tăng lãi suất điều hành nào trong năm 2023, nhưng lãi suất huy động vẫn duy trì ở mức cao do chênh lệch huy động vốn - tín dụng nới rộng và độ trễ chính sách.

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), thời gian qua, dù có nhiều giai đoạn khó khăn song phần lớn các ngân hàng đã nghiêm túc thực hiện cam kết giữ lãi suất huy động ở mức 9,5%/năm, các ngân hàng đều muốn mặt bằng lãi suất ổn định để thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.

“Thời gian tới, việc giữ ổn định lãi suất chịu tác động từ nhiều yếu tố, trong đó có cả động thái chính sách tiền tệ từ các nước khác. Chúng ta kiên định mục tiêu giữ ổn định lãi suất là điều tích cực với nền kinh tế và hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, một số ngân hàng nhỏ có nguồn lực tài chính chưa mạnh sẽ gặp nhiều thách thức trong việc huy động nguồn vốn để vừa đảm bảo thanh khoản vừa đảm bảo nguồn lực cho vay. Nếu lãi suất huy động 9,5% thì lãi suất cho vay ở mức 13 - 14% là phù hợp. Dù vậy, nhiều ngân hàng vẫn có các gói lãi suất cho vay ở mức thấp nhưng đòi hỏi các điều kiện đáp ứng chặt chẽ mà nhiều DN không đáp ứng được”, ông Hùng nhận định.

Từ góc độ cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, điều hành lãi suất là một trong những nội dung trọng tâm của chính sách tiền tệ năm nay. “Việc điều hành lãi suất của NHNN trong năm 2023 sẽ rất thận trọng theo tiêu chí tiếp tục duy trì sự ổn định. Trong thời gian tới, nếu điều kiện thuận lợi cho ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo, vận động các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí để giảm bớt lãi suất, tạo điều kiện hỗ trợ DN, người dân vay vốn với mức lãi suất thấp hơn”, ông Tú khẳng định.

Chuyên đề