Giá chung cư leo thang khiến người mua ngày càng khó sở hữu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong các loại hình sản phẩm nhà ở hiện nay tại các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội, thì căn hộ chung cư luôn có nhu cầu cao hơn hẳn các phân lúc còn lại gồm nhà phố liền kề, nhà phố thương mại, biệt thự… Tuy nhiên, sự "nhảy múa" giá cả của phân khúc này đang khiến số đông mua nhà hụt hơi.
Mặt bằng giá bán chung cư tại Hà Nội đang ngày càng tiệm cận mức giá ghi nhận được tại TP.HCM ở cả hai thị trường sơ cấp và thứ cấp. Ảnh: B.T
Mặt bằng giá bán chung cư tại Hà Nội đang ngày càng tiệm cận mức giá ghi nhận được tại TP.HCM ở cả hai thị trường sơ cấp và thứ cấp. Ảnh: B.T

Xu hướng đang bị đảo ngược

Tại sự kiện công bố tiêu điểm thị trường bất động sản TP.HCM và Hà Nội quý II/2024 ngày 11/7, bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, thị trường chung cư ở Hà Nội và TP.HCM đang có những diễn biến trái chiều.

Xét về nguồn cung và sức cầu, lâu nay Hà Nội luôn đi sau TP.HCM. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, xu hướng này lại đảo ngược. Từ đây đến cuối năm 2024, thị trường Hà Nội vẫn tiếp tục dẫn đầu xu hướng này.

Sở dĩ có sự đảo ngược này là do thời gian qua ở TP.HCM, hàng loạt dự án nhà ở bị vướng pháp lý nhưng chưa được tháo gỡ. Hy vọng những vấn đề liên quan đến pháp lý ở thị trường TP.HCM sẽ sớm được xử lý để sớm tìm được điểm cân bằng ở 2 thị trường nói trên.

Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc, Bộ phận Tiếp thị dự án nhà ở tại CBRE Việt Nam, xét về giá, mặt bằng giá bán chung cư tại Hà Nội đang ngày càng tiệm cận mức giá ghi nhận được tại TP.HCM ở cả 2 thị trường sơ cấp và thứ cấp.

Tại thị trường sơ cấp, giá bán trung bình chung cư Hà Nội đạt xấp xỉ 60 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì), chỉ thấp hơn 3 triệu đồng so với mức giá trung bình hiện tại của TP.HCM. So với quý trước, giá bán đã tăng 6,5% và tăng gần 25% theo năm.

Rõ ràng, thị trường bất động sản đang ở chu kỳ mới và đang nghiêng về Hà Nội nhiều hơn, trong khi ở TP.HCM đang bước vào giai đoạn phục hồi.

Người mua ngày càng khó sở hữu.

Theo ông Paul D. Volodarsky, Giám đốc khu vực mảng bất động sản, khách sạn nghỉ dưỡng của DFDL, đây là thời điểm thú vị, vì từ 1/8/2024 sẽ có nhiều thay đổi về pháp lý. Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi, việc quy định chủ đầu tư chỉ được thu tiền đặt cọc của khách không quá 5% giá trị bất động sản sẽ khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.

Ông Gim Teck Yew, Giám đốc khối Kinh doanh và Tiếp thị Gamuda Land cũng cho hay, luật mới sẽ minh bạch hơn và đó chính là niềm tin tích cực cho thị trường. Tới đây, dù nguồn cung ít hơn về mặt số lượng, nhưng chất lượng chắc chắn sẽ được nâng lên, từ pháp lý, đến thiết kế, quy chuẩn…

Song, ông Lucas Ignatius Loh Jen Yuh, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Nam Long cho rằng, thời gian qua, khi giá chung cư ở Hà Nội tăng quá cao, làm cho người mua bắt đầu thấy nghi ngờ, mất dần niềm tin, khiến thị trường bị chững lại. Việc giá chung cư ở Hà Nội tăng gần 25% theo năm đang mang lại sự rủi ro, bấp bênh cho thị trường.

Ở một khía cạnh khác, ông Lawrence Lennon, Giám đốc, Thị trường Vốn của CBRE Việt Nam nhận định, khi thị trường thứ cấp ờ Hà Nội bị đẩy giá lên cao quá thì nhà đầu tư sẽ dịch chuyển vào TP.HCM.

Chính vì "cuộc chơi" trên thị trường hiện nay đang thuộc về những nhà đầu tư cá nhân có nhiều tiền nhàn rỗi nên những người muốn mua nhà để ở thực càng khó với tới giấc mơ an cư.

Trong cuộc "rượt đuổi" với giá nhà tăng liên tục mỗi năm, những người có thu nhập trung bình và thấp sẽ tụt lại phía sau. Đối với căn hộ đã vậy, đối với bất động sản liền thổ gần Thành phố, ai cũng muốn nhưng không phải ai cũng đủ tài chính để mua.

Vì vậy, ông Peter Redhead, Giám đốc điều hành Khối Nghiên cứu khách hàng tổ chức của Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC) dự báo, các thế hệ trẻ sau sẽ không muốn dùng tiền để mua bất động sản mà có xu hướng thuê, không như tư duy thế hệ hiện tại mua nhà để dành cho con cháu.

Ông Lucas Ignatius Loh Jen Yuh, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Nam Long:

Ngành bất động sản Việt Nam sẽ phát triển bền vững hơn, các chi phí đầu tư vào bất động sản cũng minh bạch hơn và tránh được việc hình thành bong bóng tài sản bất động sản.

Trung Quốc trước đây làm bất động sản theo kiểu bán nhanh thu hồi nhanh, nhưng nay làm chậm lại. Bài học thất bại từ Tập Đoàn Evergreen đã giúp họ nhận ra điều đó.

Khi nhạc từ từ nhỏ lại thì ngân hàng cũng ngừng cuộc chơi, nên nhà đầu tư cần sáng suốt nhảy ra khỏi sàn nhảy trước khi nhạc tắt hẳn. Nhiều chủ đầu tư và nhà đầu tư cá nhân đang ôm một đống tài sản rồi ngồi khóc, dẫn đến thu hồi vốn không được, kết cục là phá sản.

Hiện các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam vẫn ổn. Tôi nghĩ thị trường bất động sản của Việt Nam cũng khó khăn nhưng không trầm trọng như Trung Quốc khi có đến 700 triệu m2 nhà ở đang bỏ phí do xây dựng nhiều, giá cao, nên không có người sử dụng.

Đặc biệt, chính sách 1 con của Trung Quốc cũng làm cho thị trường nhà ở bị chững lại. Trung bình 1 người Trung Quốc hiện có có 1,2 căn nhà để ở. Những thành phố chủ chốt ở Trung Quốc hiện chuyển hướng sang phát triển đô thị thông minh, xây dựng theo phân kỳ, chứ không làm ồ ạt.

Chuyên đề