Giá cả leo thang, nhà thầu thêm khốn đốn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Không chỉ là thép, xi măng tăng phi mã mà giá cả hầu hết các loại vật liệu xây dựng khác như cát, đất đắp… cũng như giá nhân công đang vào đợt tăng giá mới khiến nhiều nhà thầu xây dựng khó khăn chồng chất khó khăn.
Hầu hết các loại vật liệu xây dựng như cát, đất đắp… cũng như giá nhân công đang vào đợt tăng giá mới khiến nhiều nhà thầu xây dựng khó khăn. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Hầu hết các loại vật liệu xây dựng như cát, đất đắp… cũng như giá nhân công đang vào đợt tăng giá mới khiến nhiều nhà thầu xây dựng khó khăn. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Giá vật liệu, nhân công lên “cơn sốt” mới

Những ngày gần đây, đặc biệt từ ngày 25/10/2021, các doanh nghiệp (DN) sản xuất xi măng tiếp tục thông báo điều chỉnh giá bán trong tháng 10 và tháng 11/2021 với mức tăng gần 100.000 đồng/tấn. Thông tin với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, nguyên nhân chính khiến các nhà sản xuất xi măng phải tăng giá bán là do nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào đều tăng giá…

Cụ thể, ngày 15/10, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn đã có văn bản gửi khách hàng thông báo điều chỉnh giá bán xi măng bao và rời thêm 80.000 đồng/tấn. Thời gian áp dụng mức giá bán mới kể từ ngày 20/10/20121. Lý giải về về việc điều chỉnh tăng giá bán, đại diện Xi măng Bỉm Sơn cho biết, mặc dù Công ty đã tìm nhiều giải pháp để tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, nhưng không thể bù đắp được tốc độ tăng giá của nguyên nhiên vật liệu đầu vào. Vì thế, để ổn định sản xuất, kinh doanh, giữ vững chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp buộc phải tăng giá bán.

Tiếp đó, ngày 21/10/2021, Công ty Xi măng Hà Tiên 1; Công ty CP Xi măng Tân Thắng; Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai… cũng có văn bản gửi khách hàng thông báo điều chỉnh tăng giá bán bình quân từ 50.000 - 80.000 đồng/tấn. Thời gian áp dụng giá bán mới đều kể từ ngày 25/10/2021.

Cách đây ít ngày, một số nhà sản xuất như Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Xi măng SCG Việt Nam, Công ty Xi măng Chinfon… cũng thông báo tăng giá bán xi măng ở một số địa bàn từ 30.000 - 100.000 đồng/tấn.

Cùng với xi măng, từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều doanh nghiệp thép đã điều chỉnh mức tăng giá bán. Cụ thể, giá thép xây dựng (thép thanh và thép cuộn) của Hòa Phát tăng khoảng 200 đồng/kg. Hiện giá bán thép xây dựng của Tập đoàn khoảng 16.000 - 17.000 đồng/kg. Với thương hiệu thép Thái Nguyên tại miền Bắc, hiện thép CB240 tăng 860 đồng/kg, lên mức 17.200 đồng/kg; thép D10CB300 tăng 260 đồng, lên mức 17.260 đồng/kg….

Ông Nguyễn Quốc Tùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Khánh cho biết, hiện giá nhiều loại vật liệu xây dựng khác như cát, đá, đất đắp… cũng tăng phi mã khiến nhà thầu vô cùng khó khăn. “Đất san lấp (đạt tiêu chuẩn K) tại Thanh Hóa đang có giá 120.000 đồng/m3 (chưa VAT), tăng khoảng 22.000 đồng/m3 so với thời điểm tháng 8 - 9/2021. Trong khi đó, năm 2020, giá cao nhất cũng chỉ khoảng 80.000 - 90.000 đồng/m3”, ông Tùng cho biết. Giá cát cũng tăng bình quân khoảng 20.000 - 30.000 đồng/m3.

Bên cạnh đó, một nhà thầu xây dựng tại TP. Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cùng với đó là sắp đến Tết Âm lịch nên rất thiếu nhân công. Giá nhân công đã tăng khoảng 30 - 40% so với trước dịch.

Cần cập nhật đơn giá sát với giá thị trường

Một nhà thầu xây dựng tại TP. Hà Nội cho biết, do giá vật liệu tăng cao, một số nhà cung cấp sẵn sàng phá hợp đồng đặt cọc để bán cho đơn vị khác. Tình trạng này khiến không ít nhà thầu xây dựng gặp rất nhiều khó khăn. Đa số các gói thầu đều áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá cố định hoặc trọn gói, nên khi giá nguyên vật liệu tăng cao, cơ hội điều chỉnh hợp đồng theo giá thị trường là rất khó. Vì thế, gần như tất cả các gói thầu thực hiện theo hình thức hợp đồng này đều lỗ nặng. Nếu những khó khăn kể trên không được giải quyết, sẽ gây ra hệ lụy rất lớn. Không chỉ nhà thầu bị thiệt hại mà chủ đầu tư cũng phải chịu áp lực rất lớn khi các công trình/dự án không thể về đích đúng hạn.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam chia sẻ, các nhà thầu xây dựng vừa được hoạt động trở lại từ cuối tháng 9 sau mấy tháng giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19 . Quá trình phục hồi đang bắt đầu, nhưng họ lại phải đối mặt với khó khăn mới do giá vật liệu xây dựng cũng như giá nhân công tăng cao. Trên thực tế, số công việc các nhà thầu có được đang rất ít ỏi, thậm chí có nhà thầu biết lỗ vẫn phải làm để có công ăn, việc làm cho người lao động.

Để gỡ khó cho nhà thầu, theo ông Hiệp, Nhà nước phải có những chính sách để kìm giá của một số mặt hàng nguyên vật liệu. Tiếp đó, cần cập nhật đơn giá vật liệu xây dựng sát với giá thị trường trong việc xây dựng dự toán và giảm lãi suất ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp…

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, trong lúc giá vật liệu xây dựng tăng cao, Nhà nước cần có biện pháp hạn chế xuất khẩu để góp phần ổn định giá, hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp.

Chuyên đề