Dự án BT thanh toán bằng tiền sắp hết... tắc!

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều dự án BT thanh toán bằng tiền gặp vướng mắc do bất cập về quy định với phần lãi vay sau giai đoạn xây dựng. Bản Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (gọi tắt là Dự Luật) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) xin ý kiến đã đề xuất hướng xử lý triệt để vướng mắc này.
Nhiều dự án BT thanh toán bằng tiền gặp vướng mắc khi thực hiện thanh toán, quyết toán các khoản chi phí phát sinh sau giai đoạn xây dựng không có trong tổng mức đầu tư của dự án. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều dự án BT thanh toán bằng tiền gặp vướng mắc khi thực hiện thanh toán, quyết toán các khoản chi phí phát sinh sau giai đoạn xây dựng không có trong tổng mức đầu tư của dự án. Ảnh: Lê Tiên

Dự án Đầu tư xây dựng nút giao thông khác mức nút giao thông Ngã Ba Huế (TP. Đà Nẵng) với tổng mức đầu tư hơn 2.050 tỷ đồng đã đưa vào sử dụng 9 năm, nhưng đến nay, Nhà đầu tư vẫn chưa được thanh, quyết toán hết và phải gánh chi phí lãi vay rất lớn.

Phương án thanh toán ban đầu cho Dự án là từ kế hoạch ngân sách hàng năm của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), bắt đầu từ năm 2017 - 2020. Tháng 7/2020, Chính phủ quyết định điều chuyển 1.651,664 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2020 của Bộ GTVT sang cho UBND TP. Đà Nẵng để thanh toán cho Dự án. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể giải ngân nguồn vốn thanh toán cho Nhà đầu tư.

Theo Bộ GTVT, các quy định của pháp luật chưa có sự đồng bộ, thống nhất dẫn đến vướng mắc khi thực hiện thanh toán, quyết toán các khoản chi phí phát sinh sau giai đoạn xây dựng không có trong tổng mức đầu tư của Dự án (lợi nhuận của nhà đầu tư, lãi vay trong thời gian chờ thanh toán...). Kho bạc Nhà nước từ chối thanh toán các chi phí nằm ngoài tổng mức đầu tư Dự án do Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP quy định: “Tổng số vốn thanh toán cho nhiệm vụ, dự án không được vượt tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Không chỉ dự án trên, nhiều hợp đồng dự án BT thanh toán bằng tiền được ký kết trong giai đoạn Nghị định số 108/2009/NĐ-CP có hiệu lực thi hành cũng gặp vướng mắc tương tự. Ví dụ, Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan; Dự án Đầu tư xây dựng Quốc lộ 20 đoạn Km0+000 - Km123+105,17; Dự án Đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km123+105,17 - Km268+000…

Theo Bộ KH&ĐT, khoản 2 Điều 134 Luật Xây dựng quy định, nội dung tổng mức đầu tư xây dựng gồm chi phí xây dựng, thiết bị, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác và chi phí dự phòng cho khối lượng phát sinh và trượt giá; không bao gồm các khoản chi phí phát sinh sau thời gian xây dựng như chi phí lãi vay chờ thanh toán, lợi nhuận của nhà đầu tư được tính từ khi dự án hoàn thành…

Dự án Đầu tư xây dựng công trình nút giao thông khác mức Ngã ba Huế (TP. Đà Nẵng) đã đưa vào sử dụng 9 năm, nhưng nhà đầu tư vẫn chưa được thanh toán hết tiền. Ảnh: Văn Luận

Dự án Đầu tư xây dựng công trình nút giao thông khác mức Ngã ba Huế (TP. Đà Nẵng) đã đưa vào sử dụng 9 năm, nhưng nhà đầu tư vẫn chưa được thanh toán hết tiền. Ảnh: Văn Luận

Với dự án BT, các chi phí sau thời gian xây dựng mặc dù được thể hiện trong phương án tài chính, đã được cấp có thẩm quyền cho phép và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thỏa thuận với nhà đầu tư trong hợp đồng dự án, nhưng không thuộc nội dung tổng mức đầu tư theo quy định của pháp luật về xây dựng nên không có cơ sở để thanh toán và quyết toán, thanh lý hợp đồng do chưa hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan.

Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội đã cho phép TP.HCM áp dụng loại hợp đồng BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước, trong đó quy định chi phí lãi vay sau thời gian xây dựng và lợi nhuận hợp lý được tính vào tổng mức đầu tư dự án.

Tại một hội thảo lấy ý kiến xây dựng Dự Luật, ông Trần Hào Hùng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, nếu vướng mắc này không được tháo gỡ thì đề xuất tiếp tục thực hiện loại hợp đồng BT thanh toán bằng tiền cũng sẽ gặp vướng mắc tương tự.

Tại Điều 3 Dự Luật, Bộ KH&ĐT đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định để xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc đối với dự án BT chuyển tiếp, trong đó có vướng mắc về thanh toán, quyết toán phần lãi vay sau giai đoạn xây dựng đối với các dự án BT thanh toán bằng tiền.

Theo đó, Dự Luật bổ sung quy định xác định tổng mức đầu tư của dự án BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước bao gồm tổng mức đầu tư theo quy định của pháp luật về xây dựng và chi phí lãi vay sau thời gian xây dựng, lợi nhuận hợp lý được xác định trong phương án tài chính. Đồng thời, bổ sung vào khoản 5 Điều 101 Luật PPP theo hướng cho phép dự án BT thanh toán bằng tiền ký kết hợp đồng trước thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành mà chi phí lãi vay sau thời gian xây dựng, lợi nhuận hợp lý được xác định trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án và các khoản chi phí này đã được kiểm toán độc lập do cơ quan có thẩm quyển thuê thực hiện kiểm toán, thì được tính vào tổng mức đầu tư của dự án để thực hiện thanh toán mà không cần phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.

Chuyên đề