Gỡ khó cho dự án BT chuyển tiếp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những vướng mắc ở cấp nghị định đối với dự án BT đang được Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ nhanh, trong đó, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 35/2021/NĐ-CP dự kiến sửa đổi, bổ sung một số quy định về chuyển tiếp để xử lý những vướng mắc hiện hữu. Tuy nhiên, dự án BT còn gặp vướng mắc ở văn bản luật và ở chính tổ chức thực hiện, cần tháo gỡ đồng bộ để sớm giải phóng nguồn lực đất đai bị ách tắc do không thanh toán được cho hàng loạt dự án.
Vướng mắc phát sinh từ quy định của luật về thanh toán cho nhà đầu tư là một trong 3 nhóm vướng mắc chính của dự án BT chuyển tiếp. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Vướng mắc phát sinh từ quy định của luật về thanh toán cho nhà đầu tư là một trong 3 nhóm vướng mắc chính của dự án BT chuyển tiếp. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bắc Ninh, các dự án đầu tư theo loại hợp đồng BT trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được triển khai trong thời gian dài, chuyển tiếp qua nhiều thời kỳ pháp luật, có nhiều thay đổi liên quan đến tiến độ thực hiện dự án, xác định quỹ đất thanh toán cho dự án BT. Để đảm bảo quyền, nghĩa vụ của các bên trong triển khai thực hiện dự án, đảm bảo việc thanh toán cho nhà đầu tư theo nguyên tắc ngang giá, tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, cắt giảm diện tích các khu đất đối ứng cho từng dự án. Mặt khác, ngày 20/6/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045, theo đó, một số vị trí đất đối ứng đã ký hợp đồng dự án BT để thanh toán cho nhà đầu tư có sự thay đổi, nên việc đàm phán, ký kết phụ lục hợp đồng đối với khoản chào nộp ngân sách nhà nước theo hồ sơ mời thầu (HSMT) gặp khó khăn, vướng mắc.

Ví dụ, tại một dự án BT xây dựng trường học, diện tích khu đất đối ứng để thanh toán cho nhà đầu tư bị giảm, đồng thời thay đổi lợi thế về thương mại do Tỉnh phê duyệt dự án khác ở vị trí phía ngoài lô đất thanh toán, tiếp giáp mặt đường chính, dẫn đến quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư nằm phía trong đường quy hoạch trục chính, giá trị lợi thế thương mại kém hơn nhiều so với phương án ban đầu. Theo quan điểm của nhà đầu tư, việc cắt giảm diện tích quỹ đất đối ứng theo hợp đồng cũng như việc giảm lợi thế so sánh thương mại dẫn đến việc áp dụng phương pháp tính giá trị nộp ngân sách nhà nước theo HSMT chưa phù hợp, cần đàm phán, xác định lại để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư.

Bắc Ninh và một số địa phương khác có dự án BT trong quá trình triển khai thực hiện phải điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi. Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), các dự án BT mới dừng triển khai thực hiện; đồng thời, các nghị định hướng dẫn thực hiện dự án BT đã hết hiệu lực nên không có căn cứ để điều chỉnh dự án cũng như triển khai ký kết hợp đồng dự án BT đảm bảo đúng quy định…

Theo Bộ KH&ĐT, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 35/2021/NĐ-CP bổ sung quy định chuyển tiếp để xử lý khó khăn, vướng mắc trong đàm phán, ký kết phụ lục hợp đồng dự án BT trong trường hợp khoản nộp ngân sách nhà nước theo hồ sơ dự thầu thay đổi khi khu đất đối ứng đã thỏa thuận theo hợp đồng BT để thanh toán cho nhà đầu tư có sự thay đổi về diện tích và giá trị, do hoán đổi vị trí khu đất dự kiến, cắt giảm diện tích đất theo hợp đồng BT đã ký kết… Theo bản Dự thảo đang được Bộ KH&ĐT lấy ý kiến, quy định chuyển tiếp bổ sung: “Trường hợp dự án áp dụng loại hợp đồng BT có sự thay đổi về vị trí, diện tích, giá trị quỹ đất thanh toán dẫn đến thay đổi giá trị khoản nộp ngân sách nhà nước đã được đề xuất trong hồ sơ dự thầu thì cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng và nhà đầu tư thực hiện đàm phán, ký kết phụ lục hợp đồng để điều chỉnh giá trị nộp ngân sách nhà nước trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư”.

Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 35/2021/NĐ-CP bổ sung quy định chuyển tiếp để xử lý khó khăn trong ký kết phụ lục hợp đồng dự án BT khi khu đất đối ứng có sự thay đổi về diện tích và giá trị. Ảnh: Lê Tiên

Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 35/2021/NĐ-CP bổ sung quy định chuyển tiếp để xử lý khó khăn trong ký kết phụ lục hợp đồng dự án BT khi khu đất đối ứng có sự thay đổi về diện tích và giá trị. Ảnh: Lê Tiên

Bên cạnh đó, để tháo gỡ về quy định liên quan đến điều chỉnh dự án đầu tư, điều chỉnh thiết kế của dự án BT đã ký kết hợp đồng trước thời điểm Luật PPP, Dự thảo Nghị định dự kiến sửa đổi khoản 1a Điều 110 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng (được bổ sung tại Nghị định 35/2023/NĐ-CP). Hai phương án đang được đưa ra lấy ý kiến, trong đó phương án 1 là bãi bỏ, phương án 2 là quy định việc chuyển tiếp thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT được thực hiện theo quy định của pháp luật về PPP. Trường hợp dự án BT được chuyển tiếp theo quy định pháp luật về PPP (dự án BT đã lựa chọn được nhà đầu tư nhưng chưa lập thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự án điều chỉnh) thì thẩm quyền, nội dung và trình tự thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng đối với báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được thực hiện theo quy định đối với dự án đầu tư công.

Việc sửa đổi quy định chuyển tiếp tại Nghị định 35/2021/NĐ-CP có thể tháo gỡ một số vướng mắc của dự án BT ở cấp nghị định, có liên quan đến quy định chuyển tiếp của pháp luật về PPP. Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, trong số khoảng 160 dự án BT chuyển tiếp, còn nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc, được tổng hợp thành 3 nhóm vướng mắc chính.

Nhóm 1 là vướng mắc phát sinh từ quy định của luật về thanh toán cho nhà đầu tư. Cụ thể, giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán thường vượt quá giá trị công trình BT; chưa có quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục bố trí ngân sách nhà nước để thanh toán hoặc bồi thường chấm dứt hợp đồng cho nhà đầu tư. Theo phản ánh của nhiều địa phương và nhà đầu tư, đây là nhóm vướng mắc chính liên quan đến nhiều dự án.

Nhóm 2 là vướng mắc phát sinh do thiếu quy định để thực hiện ở nghị định hoặc quy định còn cách hiểu chưa thống nhất. Trong đó có vấn đề sử dụng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng hoặc trụ sở cơ quan nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư; quy định về sử dụng quỹ đất trong đó có phần diện tích đất công để thanh toán cho nhà đầu tư chưa cụ thể; chưa có quy định để xử lý phần kinh phí nhà đầu tư đã ứng trước để thực hiện giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư của quỹ đất đối ứng; chưa có quy định để thanh toán, quyết toán phần lãi vay sau giai đoạn xây dựng đối với dự án BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước; chưa có quy định để điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế bản vẽ thi công, sửa đổi hợp đồng đối với dự án BT. Đa số các vướng mắc có liên quan đến quy định tại Nghị định 69/2019/NĐ-CP quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hợp đồng BT.

Nhóm 3 là những vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Bên cạnh sửa đổi Nghị định 35, để tháo gỡ triệt để các vướng mắc phát sinh từ quy định của luật trong thời gian chưa sửa đổi được luật, Bộ KH&ĐT cho rằng, cần xây dựng nghị quyết của Quốc hội tháo gỡ, xử lý vướng mắc đối với các dự án BT chuyển tiếp.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư