Doanh nghiệp lao đao trước gánh nặng chi phí logistics tăng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đại dịch Covid-19 kéo dài có tác động nghiêm trọng đến doanh nghiệp (DN), nhất là chi phí kinh doanh tăng mạnh. Do đó, để giúp DN trụ vững, phục hồi và lấy lại được đà sản xuất, kinh doanh, Nhà nước cần nhanh chóng có giải pháp hỗ trợ kịp thời, thay vì tăng thu như đã “hẹn”.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, khó khăn nhất hiện nay đối với DN có lẽ là chi phí logistics tăng. Nguyên nhân chủ yếu do tăng cước vận tải, thiếu container. Ở một số cảng, giá đã tăng gấp đôi so với giá mấy tháng trước và gần gấp 6 lần so với giá đầu năm 2020.

Cụ thể, giá vận tải container lạnh từ Việt Nam đi cảng Southamton (Anh) đầu năm 2020 là 1.600 USD/cont., đến tháng 12/2020 là 5.000 USD/cont., và đến tháng 5/2021 là 9.100 USD/cont. Giá vận tải container lạnh từ Việt Nam đi cảng Los Angeles (Hoa Kỳ) đầu năm 2020 là 1.800 USD/cont., đến tháng 12/2020 là 4.000 USD/cont., đến tháng 5/2021 là 8.000 USD/cont. Giá vận tải cont hàng khô từ Việt Nam đi Israel tháng 10/2020 mới chỉ là 2.300 USD/cont. 20ft thì tháng 3/2021 đã lên 6.300 USD/cont. 20ft (hãng tàu Happloy, Evergreen) đến 7.000 USD/cont. 20ft (hãng tàu Zim), thậm chí có hãng tàu còn báo cước phí lên đến 11.000 USD/cont. 20ft. Giá vận tải container hàng khô từ Việt Nam đi cảng Klaipeda (cảng biển duy nhất của Litva), nếu như trước đây chỉ là dao động 2.100 - 2.300 USD/cont. 20ft, thì đến tháng 1/2021 đã lên đến 8.000 USD/cont. 20ft.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI:

Đánh giá tác động của đại dịch Covid-19, 87,2% DN cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”. 65% DN tư nhân và 62% DN FDI bị giảm doanh thu năm 2020 so với năm 2019. Mức giảm doanh thu trung bình với DN tư nhân là 36% và DN FDI là 34%. DN quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa có mức giảm doanh thu trung bình cao hơn so với những DN quy mô lớn.

Cả khu vực DN tư nhân trong nước và DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI) đều bị ảnh hưởng nặng nề. DN tư nhân trong một số ngành có tỷ lệ chịu tác động tiêu cực cao bởi dịch là may mặc (97%), thông tin truyền thông (96%) và sản xuất thiết bị điện (94%). DN FDI trong một số ngành có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực cao bao gồm: bất động sản (100%), thông tin truyền thông (97%), nông nghiệp/thuỷ sản (95%).

Đại dịch Covid-19 đã khiến các DN gặp khó khăn trong tiếp cận khách hàng, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, sử dụng nhân công, người lao động, bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch bệnh... Nhiều trường hợp cho biết bị gián đoạn, dừng hoạt động do tình hình dịch, thậm chí đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột. Một số DN cho biết đã phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư, thậm chí huỷ dự án đang hoặc sẽ thực hiện.

Trong khi đó, theo phản ánh của DN và các hiệp hội được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ (Ban IV) tổng hợp, việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển tại một số địa phương đang biểu hiện nhiều bất cập. Phản ánh này đã được báo cáo Thủ tướng Chính phủ từ hồi cuối năm 2020 và Lãnh đạo Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu các địa phương nghiên cứu, xem xét xử lý kiến nghị.

Tuy nhiên, theo Ban IV, đến nay các địa phương gần như không có thay đổi gì. UBND TP. Hải Phòng đã có văn bản trả lời nhưng theo hướng giải thích sự hợp lý của mức phí đang thu. UBND TP.HCM chưa có phản hồi. Nếu theo đúng thời hạn, thì kể từ ngày 1/7/2021, TP.HCM sẽ thu phí hạ tầng cảng biển đúng như đã “hẹn”.

“Việc thu phí này dù diễn giải ra sao cũng đi ngược với chủ trương hỗ trợ DN mà Chính phủ đang rất nỗ lực và làm ảnh hưởng tới động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN”, Ban IV nhấn mạnh.

Mặt khác, cơ sở thu phí và mức thu phí hạ tầng cảng biển của TP.HCM cũng chưa rõ ràng theo đúng quy định của pháp luật về phí. Chỉ căn cứ tính phí dựa vào danh mục hạ tầng mà Thành phố đã đầu tư, tổng mức đầu tư các hạ tầng để đưa vào tính toán mức phí là không thỏa đáng cho DN. Mức phí giữa các đối tượng nộp phí là DN mở tờ khai hải quan và không mở tờ khai hải quan tại TP.HCM có sự chênh lệch lớn, gấp đôi về mức nộp phí.

Trước nỗi lo chi phí kinh doanh tăng “chóng mặt”, theo Ban IV, cộng đồng DN, đặc biệt là các DN, hiệp hội xuất nhập khẩu khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận đang khẩn thiết “kêu” với Thủ tướng để có chỉ đạo kịp thời.

Do đó, cộng đồng DN đề xuất là không thu phí hạ tầng cảng biển trong giai đoạn DN còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, ít nhất là hoãn đến cuối năm 2021. Cần làm rõ tính hợp lý của mức thu và thời gian thu so với tổng mức đầu tư các hạ tầng liên quan (không bao gồm các hạ tầng đã thu các phí khác). Đồng thời, rà soát và loại bỏ các quy định đang vi phạm tinh thần Luật Phí như quy định gây bất bình đẳng về mức thu với các DN mở tờ khai hải quan và không mở tờ khai hải quan tại TP.HCM.

Ở một động thái khác, để hỗ trợ cộng đồng DN, Bộ Tài chính đang xây dựng Thông tư Quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Dự thảo Thông tư được quy định theo hướng là giảm từ 10 - 50% nhiều loại phí, lệ phí. Trong đó, giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ thu đối với xe ô tô kinh doanh vận tải của DN kinh doanh vận tải, hợp tác xã kinh doanh vận tải, hộ kinh doanh vận tải; giảm 20% đối với mức thu phí thẩm định, cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng, cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay; giảm 20% mức thu phí đăng ký giao dịch bảo đảm, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng động sản (trừ tàu bay), tàu biển…; giảm 10% mức thu phí, lệ phí hải quan, lệ phí ra, vào cảng hàng không, sân bay đối với chuyến bay nước ngoài đến các cảng hàng không Việt Nam…

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề

Kết nối đầu tư