Đề xuất loạt giải pháp phát triển ngành công nghiệp hóa chất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều ngày 27/10 về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm, đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân (TP. Hải Phòng) đề xuất 6 giải pháp phát triển ngành công nghiệp hóa chất của Việt Nam.
Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân phát biểu tại Hội trường Quốc hội chiều ngày 27/10/2022. Ảnh: QH
Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân phát biểu tại Hội trường Quốc hội chiều ngày 27/10/2022. Ảnh: QH

Đại biểu Lã Thanh Tân cho hay, ngành công nghiệp hóa chất được xem là ngành kinh tế của tính chất nền tảng, đóng vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều này đã được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội 13 của Đảng.

Công nghiệp hóa chất có tiềm năng phát triển tốt do sản phẩm của ngành này là nguyên liệu đầu vào cho một số ngành kinh tế có tốc độ phát triển cao như: Dệt may, da giày, gỗ, sản phẩm từ gỗ, thiết bị linh kiện điện tử, ô tô, xây dựng, thủy hải sản.

Tuy vậy, điểm hạn chế lớn hiện nay của Ngành là chưa có công nghệ nguồn và cơ chế, chính sách để phát triển công nghệ nguồn cho Ngành cũng như chưa tận dụng tối ưu nguồn tài nguyên, nguyên liệu trong nước và chưa làm chủ được thị trường nội địa.

“Nhiều doanh nghiệp dù muốn tìm nguồn hóa chất nội địa để giảm chi phí logistic và chủ động hơn trong sản xuất nhưng do trong nước chưa tìm được nhà cung cấp hóa chất, nguyên liệu và các sản phẩm hóa chất quan trọng phục vụ phát triển sản xuất nên phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Điều này làm tăng giá thành ở một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực dẫn đến giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam”, ông Tân trăn trở.

Về hệ thống pháp luật và các chính sách, đại biểu cho rằng, tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chồng chéo, độ trễ cao, chưa bắt kịp sự phát triển của Ngành.

"Nhà nước còn thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù, linh hoạt, có khả năng tạo cú hích để thu hút tối đa các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực trong nước cho đầu tư vào Ngành...", đại biểu Tân phát biểu.

Theo đó, đại biểu đề xuất loạt giải pháp liên quan vấn đề thể chế nhằm phát triển ngành công nghiệp hóa chất ở nước ta thực sự trở thành ngành công nghiệp nền tảng.

Trước tiên là Chính phủ, bộ ngành và địa phương sớm chỉ đạo tổng kết, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Hóa chất năm 2007, xây dựng Luật Phát triển công nghiệp, trong đó có nội dung về công nghiệp hỗ trợ để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng. Đồng thời ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể làm cơ sở pháp lý để phát triển ngành công nghiệp hóa chất là ngành công nghiệp nền tảng.

Tiếp đó, sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguồn tài nguyên, tích cực tìm kiếm các nguồn tài nguyên mới để phát triển ngành công nghiệp hóa chất, ứng dụng công nghệ hiện đại để dịch chuyển cơ cấu nhằm gia tăng giá trị tăng thêm của Ngành hóa chất. Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực hóa học và công nghiệp hóa chất gắn liền với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và công nghiệp sinh thái.

Trong xây dựng quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, Chính phủ và các địa phương quan tâm xây dựng, hình thành và phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung, các tổ hợp sản xuất hóa chất có quy mô lớn, di dời các nhà máy sản xuất hóa chất vào các khu, cụm công nghiệ nhằm quản lý, tập trung hiệu quả.

Phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất với công nghệ cao, chú trọng phát triển các lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên, bao gồm các sản phẩm hóa chất có nhu cầu lớn, giá trị gia tăng cao, có lợi thế đảm bảo an ninh lương thực, an ninh, y tế.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế nhằm tận dụng các lợi thế về nguồn vốn, công nghệ, trình độ quản lý của quốc tế và các doanh nghiệp, đặc biệt là các quốc gia có ngành công nghiệp hóa chất phát triển, hiện đại và các tập đoàn lớn trong lĩnh vực hóa chất.

“Cuối cùng là cần có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực có trình độ cao để làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngành hóa chất”, đại biểu Tân kiến nghị.

Chuyên đề