Đầu tư nhà ở xã hội chờ khung pháp lý mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân nhằm giải quyết nhu cầu bức thiết về nhà ở cho một bộ phận người dân, cũng đồng thời là cơ hội mới của các nhà đầu tư bất động sản khi cầu đang lớn hơn cung rất nhiều. Chính phủ rất quyết tâm triển khai, nhưng vẫn còn nhiều rào cản về thể chế chính sách, kỳ vọng sẽ được tháo gỡ tại Luật Nhà ở (sửa đổi).
Nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 vào khoảng 2.400.000 căn. Ảnh: Song Lê
Nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 vào khoảng 2.400.000 căn. Ảnh: Song Lê

Cầu vượt xa cung

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến nay trên phạm vi cả nước có 392 khu công nghiệp (KCN) được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 119,9 nghìn ha; trong đó: có 286 KCN đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 85,2 nghìn ha và 106 KCN đang xây dựng cơ bản với tổng diện tích tự nhiên khoảng 34,7 nghìn ha. Có khoảng 2,7 triệu công nhân đang làm việc tại các KCN này, trong đó khoảng 1,2 triệu công nhân có nhu cầu về nhà ở.

Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Bộ Xây dựng nhận định, giai đoạn 2021 - 2030, tự do thương mại toàn cầu và tăng trưởng kinh tế sẽ nâng cao đời sống và thu nhập của người dân. Đối với người lao động tại KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao..., thu nhập và tích lũy có thể bảo đảm khả năng sở hữu nhà ở thương mại và nhà ở xã hội.

Theo Bộ Xây dựng, nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân KCN của các địa phương giai đoạn 2021 - 2030 vào khoảng 2.400.000 căn; trong đó giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 1.240.000 căn, giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 1.160.000 căn.

Trong khi nhu cầu cao, nguồn cung còn hạn chế. Đến nay, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn; đang tiếp tục triển khai 418 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn.

Có khoảng 2,7 triệu công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, trong đó khoảng 1,2 triệu người có nhu cầu về nhà ở. Ảnh: Song Lê

Có khoảng 2,7 triệu công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, trong đó khoảng 1,2 triệu người có nhu cầu về nhà ở. Ảnh: Song Lê

Chờ giải pháp đạt mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội

Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”. Bên cạnh đó, gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng được triển khai để tháo gỡ về nguồn vốn. Tuy nhiên, theo nhiều nhà đầu tư, ưu đãi chưa đủ hấp dẫn, thủ tục đầu tư thậm chí còn khó khăn hơn cả nhà ở thương mại là những trở ngại khiến họ chưa mặn mà với phân khúc này.

Theo ông Hoàng Hải, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã có nhiều quy định thúc đẩy chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Về quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, Dự thảo Luật quy định trách nhiệm bố trí quỹ đất để làm nhà ở xã hội là của UBND cấp tỉnh. Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị không phải dành diện tích đất ở trong phạm vi dự án để xây dựng nhà ở xã hội…

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung nhiều quy định ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội. Chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án và không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn theo quy định của pháp luật về đất đai. Được hưởng lợi nhuận định mức 10% đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội. Được hưởng ưu đãi phần diện tích quỹ đất hoặc sàn thương mại để làm dịch vụ kinh doanh, thương mại, chủ đầu tư được hạch toán riêng và được hưởng toàn bộ lợi nhuận đối với phần diện tích kinh doanh, dịch vụ thương mại này. Chủ đầu tư không bắt buộc phải dành 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê…

Để có tác động sớm, Bộ Xây dựng đề xuất quy định về thời điểm có hiệu lực sớm đối với một số quy định về nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội thông qua; các nội dung khác sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Chuyên gia pháp lý Nguyễn Văn Đỉnh, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có chính sách lớn nhằm cụ thể hóa mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Nếu làm tốt các chính sách trên thì vướng mắc lớn nhất của chính sách nhà ở xã hội hiện nay (quỹ đất sạch, có kết nối hạ tầng kỹ thuật) sẽ được tháo gỡ. Tuy nhiên, ông Đỉnh còn e ngại Dự thảo Luật vẫn tự mâu thuẫn về hình thức sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở xã hội mà nếu được thông qua sẽ dẫn đến “nửa đóng, nửa mở”, tiếp tục tắc nghẽn thủ tục trong trường hợp nhà đầu tư chủ động tạo lập quỹ đất (không cần Nhà nước giao đất sạch).

Bên cạnh những chính sách hỗ trợ phía cung, ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị, do khả năng chi trả thực của người có thu nhập thấp còn hạn chế, cần có những chính sách hỗ trợ về tín dụng hiệu quả hơn nữa để tăng khả năng thanh khoản cho phân khúc nhà ở này.

Chuyên đề