Đấu thầu, đấu giá để nâng hiệu quả nguồn lực đất đai

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong những vấn đề được quan tâm tại phiên thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV là Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo phương thức nào đối với các dự án vì mục tiêu lợi nhuận để khai thác hiệu quả, bền vững nguồn lực đất đai.
Việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội cần được thực hiện thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Ảnh: Tường Lâm
Việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội cần được thực hiện thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Ảnh: Tường Lâm

Theo nhiều ý kiến, quá trình tiếp cận đất đai của doanh nghiệp để thực hiện dự án cần thông qua công cụ thị trường, tăng cường giao đất thông qua đấu thầu, đấu giá để bảo đảm tính công khai, minh bạch.

Cần sử dụng công cụ thị trường

Theo nhiều đại biểu Quốc hội, cần có quy định hạn chế và kiểm soát hoạt động chuyển quyền sử dụng đất bằng hình thức chỉ định nhà đầu tư. Đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) đề nghị việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội cần được thực hiện chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Hạn chế, tiến tới chấm dứt hình thức trao quyền sử dụng đất thông qua hình thức chỉ định chủ đầu tư trong hoạt động kinh doanh bất động sản.

Tại Luật Đất đai 2013, cơ chế đấu thầu dự án có sử dụng đất chưa được chế định, gây ra những khó khăn trong thực tiễn lựa chọn, giao đất cho nhà đầu tư thông qua đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã chế định các cơ chế giao đất theo thị trường thông qua cả đấu thầu, đấu giá và thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều đổi mới, thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW. “Từ góc độ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, không phải bảo vệ cho Luật Đấu thầu, mà từ góc độ hiệu quả, chúng tôi luôn cho rằng nên có cả đấu thầu và đấu giá. Đấu thầu sẽ lựa chọn nhà đầu tư có khả năng thực hiện dự án mang lại hiệu quả cao nhất, nếu chỉ tập trung đấu giá thì chỉ thu được giá trị đất, nói nôm na là bán đất, còn đất đó có được sử dụng đúng mục đích không, đúng định hướng thu hút không, ô nhiễm môi trường không…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, lần này, thống nhất thể hiện trong Luật Đất đai (sửa đổi) cả giao đất qua đấu thầu và đấu giá, theo hướng quy định rõ trường hợp nào đấu thầu, đấu giá tại Luật Đất đai, còn trình tự, thủ tục, quy trình đấu thầu dự án có sử dụng đất quy định tại Luật Đấu thầu, từ đó mang lại hiệu quả cao nhất trong sử dụng nguồn lực đất đai.

Lưu ý hệ lụy sốt đất do đấu giá

Dù đấu giá là cơ chế giao đất mang tính thị trường, nhiều đại biểu cũng thể hiện sự lo ngại những hệ lụy của đấu giá từ thực tiễn thời gian qua.

Theo đại biểu Ngô Đông Hải (Thái Bình), câu chuyện xác định giá đất theo giá thị trường và đấu giá quyền sử dụng đất cũng có hai mặt, nếu không tính kỹ sẽ rất nguy hiểm. Đấu giá cũng là một yếu tố đẩy giá đất lên cao, tạo ra bong bóng bất động sản. Dự án sau đấu giá cao hơn dự án trước, không ai dám xác định giá đất thấp hơn giá vừa đấu thành công. Cứ như thế, giá đất nối đuôi nhau ngày càng tăng cao. “Hiện nay ở Thái Bình nhiều dự án đấu giá đất không ai vào đấu vì xác định giá khởi điểm rất cao nhưng không thể hạ giá được dù biết thị trường bất động sản đang đi xuống. Chỉ còn cách đưa ra đấu nhiều lần, một lần, hai lần, ba lần không thành, mỗi lần hạ giá xuống một chút. Nhưng đợi đấu giá được 3 lần thì mất rất nhiều thời gian, kế hoạch đấu giá thu ngân sách không thành công”, ông Hải chia sẻ. Hơn nữa, nếu cứ chăm chăm vào việc thu ngân sách thông qua đấu giá rồi một ngày đất cũng hết, quan trọng hơn là những giá trị này không bền vững, đẩy giá đất lên cao, ảnh hưởng đến yếu tố đầu vào, đầu tư khác, bất lợi cho nền kinh tế.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) cũng cho rằng, đấu giá đất đẩy giá bất động sản lên ngày một cao, dẫn đến tăng chi phí đầu vào, khiến người dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa càng khó tiếp cận đất đai.

Ngoài ra, nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ quy định mới tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về đấu giá đất chưa bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với trường hợp được 100% người bị thu hồi đất đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), kinh nghiệm thực tiễn cho thấy người tham gia đấu giá chưa chắc đã đủ nguồn lực để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, đấu giá xong mà không đủ lực thực hiện thì đất treo, người dân khổ sở. “Tôi e rằng Điều 136 quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho cả người dân và doanh nghiệp”, ông Nghĩa lo ngại.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng lưu ý, đấu giá quyền sử dụng đất khi chưa bồi thường tái định cư cần rất thận trọng, cân nhắc vì đất chưa được bồi thường, tái định cư giao cho các tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất sẽ rất khó khăn.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi thẩm tra cũng đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ tính cần thiết, khả thi của quy định này.

Chuyên đề