Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Thủ tục càng kéo dài, doanh nghiệp càng mất nhiều cơ hội

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quốc hội đang chuẩn bị cho ý kiến lần đầu về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, một trong những vấn đề nhận được nhiều quan tâm là cần có sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và các đạo luật liên quan để đơn giản hóa và rút ngắn thời gian các thủ tục hành chính (TTHC). Nếu không cải thiện, thủ tục càng chậm, càng rối rắm, thì càng nhiều cơ hội bị tuột mất, không biến đất đai thành nguồn lực to lớn để phát triển đất nước.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Phạm Hoàng Trung - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Constrexim số 1 (Confitech) phản ánh, thực trạng đất đai có lịch sử không rõ ràng; hồ sơ, bản vẽ không chính xác, không được cập nhật đầy đủ… đã gây ra nhiều vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, chuyển đổi công năng, nhất là dự án chuyển đổi đất lúa sang đất công nghiệp… Cả quy trình thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, từ lúc bắt đầu có chủ trương đầu tư, HĐND ra nghị quyết, UBND tỉnh/thành phố và sở, ban ngành lập dự án, quyết định thu hồi - giao đất, đấu thầu, đấu giá…, mỗi dự án phải mất tối thiểu 700 - 800 ngày, tương ứng với 3 năm.

“Đây là một trở lực rất lớn và ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư. Thủ tục càng chậm, càng ảnh hưởng tới DN, nhà đầu tư, trong đó ảnh hưởng lớn nhất liên quan đến dòng tiền của DN”, đại diện Confitech nêu.

Theo tính toán của DN, ông Phạm Hoàng Trung cho biết, nếu bán hàng ở thời điểm này thì khả năng sẽ đạt được mức lợi nhuận lý tưởng. Nhưng nếu dự án bị kéo dài thì DN tuột mất thời cơ tốt nhất. Để chuẩn bị cho dự án, DN phải để dành riêng nguồn tiền chờ cho việc giải phóng mặt bằng, xây lắp…, không thể đầu tư vào việc khác, trong khi “tiền đẻ ra tiền”. Dự án bị chậm còn khiến cho DN gặp khó khăn trong việc kích hoạt hợp đồng tài trợ vốn, ngân hàng không thể giải ngân được...

Trong khi đó, DN vẫn phải chi trả lương nhân công, vật liệu xây dựng…, mà giá cả càng ngày càng tăng. Tại thời điểm này năm nay, giá là A đồng, nhưng qua Tết, giá đã là A+ đồng… Ví dụ như giá xi măng, sắt thép, xăng dầu thời gian qua… Thời gian đợi chờ như thế sẽ làm đội chi phí cho DN.

Chia sẻ với những khó khăn mà các DN đang gặp phải, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, thời gian qua, không ít dự án phải nằm yên trong nhiều năm bởi vì có sự xung đột, chồng chéo giữa các luật mà không có lối ra và bản thân các cơ quan thực thi ở địa phương cũng rất khó khi thực hiện. Luật Đất đai hiện có liên quan tới 186 luật khác, nhưng giữa các luật chưa có sự thống nhất, chưa đồng bộ, và không rõ ràng, dẫn tới người thực thi tại các địa phương ngần ngại, trì hoãn.

Qua khảo sát thực tế của VCCI tại Bắc Ninh cho thấy, quy trình của một dự án đầu tư có sử dụng đất trên thực tế khác rất nhiều so với trên giấy. Dự án phải đi lòng vòng qua các sở, ngành và ở mỗi sở, ngành phải đi qua rất nhiều khâu khi thực hiện TTHC.

Để tạo nguồn lực, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, một trong những mục tiêu quan trong trọng của Dự thảo Luật Đất đai lần này cần phải có một bước đột phá về việc đơn giản hóa TTHC.

“Làm thế nào để quy trình, thủ tục phải đứng từ phía người thực hiện. Nếu góc nhìn chỉ ở từng đạo luật, thì sẽ thấy không có nhiều vướng mắc. Nhưng khi người dân, DN, cơ quan, địa phương thực hiện, thì phải nhìn vào quy trình thực hiện của một dự án. Điểm gây tắc lớn nhất của các dự án chính là việc phải thực hiện qua quá nhiều khâu”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Theo TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TTHC dưới góc độ của nhà đầu tư có sự phức tạp hơn so với góc độ cơ quan quản lý nhà nước.

“Thực tế cho thấy, nhà đầu tư phải đi nhiều bước hơn, đến gặp nhiều cơ quan hơn. Nếu chúng ta nhìn theo từng đạo luật riêng thì có vẻ rất hợp lý, tiếp cận có vẻ rất toàn diện. Nhưng thử để các bộ luật song song với nhau thì sẽ thấy phát sinh nhiều vấn đề như: cùng một cơ quan, nhưng để thực hiện 3 đạo luật, nhà đầu tư phải đến 3 lần hay cùng một vấn đề, nhà đầu tư vừa phải xin ý kiến cơ quan này, vừa phải xin ý kiến ở cả cơ quan khác… Vì vậy, cần có sự hài hòa giữa các thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng để rút ngắn thời gian và đơn giản hóa quy trình thực hiện thủ tục cho DN, nhà đầu tư”, ông Phan Đức Hiếu nêu.

Do đó, tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhấn mạnh về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ này. Theo chương trình làm việc của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Dự thảo Luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào ngày 2/11/2022.

Một trong 4 nội dung then chốt của Dự thảo Luật được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ trong một cuộc tọa đàm mới đây, đó là phải hiện đại hóa quản lý, tinh gọn bộ máy, phân cấp triệt để và cải cách TTHC. Cụ thể, Dự thảo Luật tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai toàn diện, tích hợp, đa mục tiêu, trong đó có dữ liệu về giá đất, xây dựng bản đồ địa chính số...

Cùng với đó, theo ông Trần Hồng Hà, Dự thảo Luật sẽ giải quyết những vấn đề liên quan đến quy hoạch sử dụng đất đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ; thay đổi lại toàn bộ phương pháp định giá đất, trong đó xóa bỏ khung giá đất và xác định bảng giá đất hàng năm, đưa giá đất về sát giá thị trường; chuyển dịch đất đai từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp gắn với chính sách an sinh xã hội…

Chuyên đề