Cổ phần hóa chậm vì còn tư tưởng không muốn thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cả năm 2021, chỉ có 4 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa. Tiến độ cổ phần hóa từ đầu năm đến nay giậm chân tại chỗ. Theo ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là còn tư tưởng không muốn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực có tỷ suất sinh lời cao. 
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet

Trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước ngày 17/5/2022, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, kết quả cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN trong thời gian qua không đạt được kế hoạch đề ra.

Theo ông Tiến, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục và kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn chậm, chưa đảm bảo tính kịp thời, còn hình thức, thiếu khả thi, chưa sát với thực tế. Số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa đã vượt kế hoạch đề ra, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa ngoài kế hoạch nhiều hơn số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã ban hành. Một số đơn vị đăng ký danh sách thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhiều nhưng không triển khai đúng theo kế hoạch.

Ông Tiến cho biết, có một số nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng này. Trước hết, tư duy, nhận thức về vai trò, vị trí của DNNN chưa thống nhất dẫn tới lúng túng trong hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện. Một số vấn đề chưa rõ, còn ý kiến khác nhau nhưng chậm được tổng kết thực tiễn, kết luận để có thể cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật. Ví dụ như vấn đề vị trí của DNNN trong thực hiện vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, vấn đề trao quyền tự chủ của DNNN, vấn đề sử dụng DNNN làm công cụ điều tiết kinh tế...

Về nội tại DNNN, công tác lập kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn còn hình thức, thiếu khả thi và chưa sát với thực tế. Đa số các tập đoàn, tổng công ty, DNNN chưa chủ động triển khai các chính sách pháp luật về đất đai, đến khi phải thực hiện cổ phần hóa mới bắt đầu thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa.

Bên cạnh đó, còn tư tưởng không muốn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỷ suất sinh lời cao làm cho tiến độ thoái vốn chậm lại. DNNN vẫn còn hiện diện trong nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần duy trì sở hữu vốn.

Từ thực tiễn đó, ông Tiến cho biết, Bộ Tài chính đã đề xuất một số giải pháp. Đó là, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp gắn với giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm soát quyền lực, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong cơ cấu lại DNNN, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; rà soát, nghiên cứu quy định việc không tính giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn.

Theo đó, kịp thời rà soát, sửa đổi các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai… và các văn bản pháp luật khác có liên quan để khắc phục vướng mắc, khó khăn phát sinh trong cơ cấu lại DNNN, đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu thực tiễn.

Bổ sung quy định về xử lý đất đai đối với các DN quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao theo hướng yêu cầu DNNN thực hiện hình thức thuê đất, trả tiền hàng năm, DN sau cổ phần hóa (công ty cổ phần) cam kết sử dụng đất đúng mục đích sản xuất kinh doanh, thuê trả tiền hàng năm; trường hợp thay đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch của UBND địa phương thì thực hiện trả lại đất cho địa phương để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai; DN cổ phần hóa có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định; bổ sung những chế định đấu giá quyền sử dụng đất và quyền thuê đất vào Luật Đấu thầu, đảm bảo tính công khai, minh bạch và thông tin đầy đủ về đất (diện tích, vị trí, giá thuê, phương thức trả tiền…);...

Chuyên đề