Có nên dừng cho vay vốn tín dụng ưu đãi với người mua, thuê mua nhà ở xã hội?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đề nghị Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên quy định cho khách hàng vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Đó là nội dung văn bản của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa gửi Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng ngày 14/9/2021.
Trong giai đoạn 2015 - 2020, có rất ít người dân được vay tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội do thiếu dự án nhà ở xã hội và do nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hoặc cấp bù lãi suất quá chậm và quá ít. Ảnh: Ngô Bảo Tín
Trong giai đoạn 2015 - 2020, có rất ít người dân được vay tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội do thiếu dự án nhà ở xã hội và do nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hoặc cấp bù lãi suất quá chậm và quá ít. Ảnh: Ngô Bảo Tín

HoREA cho biết, mấy ngày qua, có khá nhiều cơ quan báo, đài đưa thông tin được dư luận quan tâm về việc Ngân hàng Nhà nước đề xuất “loại trừ đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở” trong Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 25/2015/TT-NHNN.

Qua nghiên cứu, Hiệp hội nhận thấy, đề xuất nói trên của Ngân hàng Nhà nước không phù hợp với chính sách về nhà ở xã hội của Luật Nhà ở 2014, bởi luật này không hề cấm cho vay ưu đãi đối với các đối tượng quy định tại các khoản 1, 4, 5, 6 và 7 Điều 49 Luật Nhà ở 2014 để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Ở nước ta, Luật Nhà ở 2005, 2014 đã dần xây dựng hoàn thiện chính sách về nhà ở xã hội để hỗ trợ cho 9 nhóm đối tượng được thụ hưởng chính sách này. Trong 15 năm qua đã có hàng trăm ngàn người được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2015 - 2020, lại có rất ít người dân được vay tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội, do thiếu dự án nhà ở xã hội và do nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hoặc cấp bù lãi suất quá chậm và quá ít.

Hiện nay, Nhà nước đang áp dụng mức lãi suất ưu đãi bằng 50% mức lãi suất cho vay thương mại bình quân của các ngân hàng thương mại lớn nhất (mức lãi suất cho vay thực tế khoảng 5%/năm). Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội thì mức lãi suất cho vay hiện nay chỉ có 4,8%/năm.

Về thời hạn cho vay ưu đãi thì trong giai đoạn 2006 - 2015 tối đa là 10 năm, giai đoạn 2015 - 2020 tối đa là 15 năm và mới đây, Nghị định 49/2021/NĐ-CP đã nâng thời hạn tối đa lên đến 25 năm cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới, hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.

Các chính sách của nước ta tương đồng như chính sách nhà ở xã hội tại nhiều nước công nghiệp phát triển.

Bên cạnh chính sách cho vay ưu đãi về tín dụng nêu trên thì Nhà nước còn có thêm các “chính sách miễn, giảm thuế, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các cơ chế ưu đãi tài chính khác và hỗ trợ từ nguồn vốn của Nhà nước để thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội”.

Trong tổng thể các chính sách về nhà ở xã hội của Nhà nước thì chính sách cho vay tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi là quan trọng bậc nhất, bởi lẽ đây là chính sách mà người thu nhập thấp cần nhất khi mua, thuê mua nhà ở xã hội.

"Đề xuất này của Ngân hàng Nhà nước vừa không phù hợp với một số quy định của Luật Nhà ở 2014, vừa không phù hợp với Khoản 4 Điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP và Khoản 4 Điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 10 Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021)", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA bình luận.

Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên quy định tại Khoản 3 Điều 6 Thông tư 25/2015/TT-NHNN (chỉ bỏ mục đích “thuê”).

Cụ thể, đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội thì mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà” vì vẫn phù hợp với chính sách về nhà ở xã hội của Luật Nhà ở 2014 và Khoản 4 Điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP và Khoản 4 Điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP như đã phân tích trên đây.

Chuyên đề