Cơ hội từ EVFTA đã rõ, doanh nghiệp cần chủ động hơn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau gần 2 tháng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, một số doanh nghiệp (DN) đã được hưởng những lợi ích đầu tiên.
Cơ hội từ EVFTA đã rõ, doanh nghiệp cần chủ động hơn

Đây là một trong những tín hiệu tích cực mà Hiệp định mang lại, nhất là trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, với nhiều DN, hiệp định này vẫn còn khá mới mẻ. Để tận dụng được cơ hội, DN phải chủ động tìm hiểu, nắm bắt đầy đủ và chính xác các cam kết của EVFTA.

Theo Bộ Công Thương, ngay trong tháng đầu tiên thực hiện Hiệp định, các tổ chức đã được ủy quyền cấp hơn 7.200 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi các nước EU. Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trưởng EU, thông quan và được hưởng ưu đãi.

Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho thấy những tín hiệu khởi sắc trong xuất khẩu nông lâm thủy sản sang EU của Việt Nam. Nhờ EVFTA, trong tháng 8/2020, các đơn hàng thủy sản sang EU tăng 10% về kim ngạch xuất khẩu so với tháng trước đó (7/2020). Giá các sản phẩm gạo tăng từ mức 80 - 200 USD/tấn so với tháng 7/2020 và 126 tấn gạo thơm đầu tiên cũng đã được xuất khẩu sang EU với thuế suất bằng 0.

Tại Hội thảo Hiệp định EVFTA - những điều DN cần biết diễn ra sáng ngày 24/9 tại Hà Nội, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, dự kiến dưới tác động của EVFTA, trong thời gian tới sẽ có một sự tăng trưởng ấn tượng về xuất khẩu, nhập khẩu giữa hai bên, với kim ngạch xuất khẩu sang EU tăng 42,7% và nhập khẩu từ EU tăng 33,06% vào năm 2025 so với kịch bản không có EVFTA. Hoạt động thương mại, đầu tư nhộn nhịp dưới tác động của EVFTA cũng dự báo giúp tăng thêm 146.000 việc làm mỗi năm, tăng thu nhập cho người dân (đặc biệt nhóm lao động trong DN FDI) và cả cho ngân sách nhà nước. Trong tổng thể, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm từ 7,07 - 7,72% trong giai đoạn 2030 - 2035.

Mặc dù những con số này được tính toán vào thời điểm ký Hiệp định (năm 2019) và đại dịch Covid-19 chưa xảy ra, nhưng theo ông Lộc, từng DN có quyền kỳ vọng về những cơ hội cụ thể trong xuất, nhập khẩu hay hợp tác liên doanh với các bạn hàng, đối tác EU.

Tuy vậy, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI, để hiện thực hóa những cơ hội lớn mà EVFTA mang lại, trước tiên DN phải có sự chủ động tìm hiểu những cam kết trong Hiệp định trong những lĩnh vực hoạt động của mình để hiểu đúng, chính xác, từ đó tìm thấy cơ hội, đánh giá được những khó khăn thách thức mới có thể xây dựng kế hoạch và chuẩn bị nguồn lực cần thiết để tận dụng có hiệu quả.

Thực tế cho thấy, nhiều DN chia sẻ, mặc dù rất quan tâm đến việc khai thác cơ hội của EVFTA nói riêng và các hiệp định FTA nói chung, nhưng họ vẫn chưa hiểu hết nội dung và các cam kết liên quan đến lĩnh vực hoạt động của ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của mình.

Do đó, các cơ quan chức năng, hiệp hội cần tăng cường hoạt động hỗ trợ cung cấp thông tin về những nội dung cam kết cụ thể theo từng ngành nghề, lĩnh vực. Chẳng hạn như, theo ông Nguyễn Văn Tuyên - Giám đốc Công ty Tiến Đạt hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu đồ gỗ vào EU, các yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật về chứng nhận xuất xứ, vệ sinh an toàn, nguồn gốc nguyên liệu hợp pháp, các biểu thuế ưu đãi và hạn nghạch...

Theo đề xuất của ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), các bộ ngành sẽ quan tâm hơn tới việc xây dựng, sửa đổi các quy định liên quan đến chứng nhận xuất xứ, gỡ bỏ các rào cản thủ tục liên quan để tăng lợi thế cạnh tranh của DN Việt Nam

Để thúc đẩy DN triển khai thực hiện Hiệp định, ông Lộc cho biết, VCCI đã xây dựng cuốn Cẩm nang DN Tóm lược Hiệp định EVFTA và phối hợp với Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) thành lập Hội đồng DN hỗn hợp Việt Nam - EU để hỗ trợ kết nối DN hai bên liên kết, hợp tác và khai thác lợi thế của Hiệp định. Dự kiến trong thời gian tới, Hội đồng sẽ lựa chọn một số dự án của DN nhỏ và vừa có tiềm năng như những “dự án hải đăng” để hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, kết nối, xây dựng mô hình thực tiễn tốt, từ đó tạo tác động lan tỏa hơn nữa tới cộng đồng DN.

“Hội nhập EVFTA không phải chỉ là việc của DN lớn mà cộng đồng DN vừa và nhỏ và siêu nhỏ mới là chủ nhân của quá trình này. Cho nên trọng tâm của các chính sách, các chương trình hỗ trợ của VCCI và các Hiệp hội DN phải nhằm vào các đối tượng DN vừa và nhỏ”, ông Lộc nhấn mạnh.

Chuyên đề