EVFTA sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thủy sản, dệt may, da giầy… đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU với hơn 450 triệu dân và có tiềm năng hàng đầu thế giới. Ảnh: Lê Tiên |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thông điệp này tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kế hoạch thực thi EVFTA.
Cơ hội lớn, sức ép lớn
EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8 được xem là mốc son mới trong quan hệ Việt Nam và EU. EVFTA được ví như con đường cao tốc hướng Tây, kết nối Việt Nam với một không gian thị trường hơn 450 triệu dân và có tiềm năng hàng đầu thế giới. Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nhiều ngành kinh tế của Việt Nam như thủy sản, dệt may, da giầy… sẽ có cơ hội lớn đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may Việt Nam đứng thứ ba thế giới với thị phần chiếm 6%, nhưng chỉ chiếm 2,2% tại thị trường châu Âu. EVFTA là cơ hội lớn để dệt may Việt Nam vươn lên, chiếm thị phần tương xứng.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng chia sẻ, nếu cách đây 20 năm, chúng ta chỉ xuất được 129 triệu USD thủy sản sang EU và 20 năm qua, chúng ta tăng được 10 lần, thì hôm nay, đây là lần thứ 2 mở thêm xa lộ mới.
Tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, cơ hội đã có, “đường cao tốc” đã mở, chúng ta phải có quyết tâm cao hơn nữa, thay đổi tư duy, phải hành động mạnh mẽ, sáng tạo để triển khai hiệu quả EVFTA. “EU là thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng và tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa, dịch vụ. Đây là nơi không có chỗ cho những doanh nghiệp thiếu kiên trì, không sáng tạo, hàng hóa kém chất lượng”, Thủ tướng nói.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư cùng với những cam kết về việc tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài sẽ tạo cơ hội thuận lợi hơn để các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận với thị trường Việt Nam. Điều này cũng đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước sức ép cạnh tranh lớn hơn ngay tại thị trường trong nước.
Xóa rào cản để “thông xe”, tăng tốc thế nào?
Theo ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương, đến thời điểm này, Chính phủ đã có kế hoạch hành động thực thi Hiệp định với 5 nhóm nhiệm vụ, gồm 41 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Mỗi nhóm công việc này được xây dựng với những nội dung, hành động cụ thể mang tính chiến lược nhằm khắc phục những tồn tại trong việc thực thi một số FTA trước đây, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
“Kinh nghiệm thực thi Hiệp định CPTPP trong hơn 1 năm qua cho chúng ta thấy rằng, kế hoạch thực hiện EVFTA của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương càng được ban hành sớm với những hoạt động hết sức cụ thể, đúng trọng tâm, trọng điểm thì Hiệp định sẽ thực sự đi vào cuộc sống càng nhanh và hiệu quả”, ông Trần Tuấn Anh cho biết.
Để giúp các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được tối đa những cơ hội của EVFTA, Thủ tướng cho rằng, giao nhiệm vụ để triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định là quan trọng nhưng triển khai đi vào cuộc sống còn quan trọng hơn nhiều. Thủ tướng nêu rõ, chủ trương 1, biện pháp thực hiện phải 10, đặc biệt cần phải thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.
Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần chủ động và tích cực hành động hơn nữa trong việc triển khai kế hoạch thực thi EVFTA. Cụ thể là các bộ trưởng, chủ tịch UBND của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước phải trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên triển khai thực thi EVFTA cũng như tăng cường công tác phối hợp thực hiện để đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, chúng ta chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hình thành các quy hoạch phát triển gắn với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ…
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục cải cách thể chế tốt hơn nữa để phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước cũng như phát triển quan hệ Việt Nam - EU, nhất là thực thi tốt EVFTA.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Chương trình hành động thực thi EVFTA, tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm triển khai thi hành có hiệu quả, đồng thời phát huy tối đa những lợi ích có được từ Hiệp định này. Một là tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư để nâng cao nhận thức về cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường và tự do hóa đầu tư. Hai là tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và bảo đảm thực thi cam kết của Việt Nam theo Hiệp định. Ba là đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp. Bốn là, xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát, phòng ngừa tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Công tác thi hành và giám sát thi hành pháp luật cần nâng cao tính minh bạch, hiệu quả nhằm hạn chế tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài.