Chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Khơi dòng vốn lành mạnh cho nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thời gian qua đã có bước phát triển nhanh chóng về quy mô, giải quyết bài toán vốn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, những hiện tượng tiêu cực trong phát hành và sử dụng vốn huy động từ trái phiếu của doanh nghiệp cho thấy còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là hoàn thiện khung khổ pháp lý và chú trọng kiểm tra, giám sát để TPDN thực sự trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả và lành mạnh cho nền kinh tế.
Động thái chấn chỉnh của Chính phủ và cơ quan chức năng sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp vận hành ngày càng bài bản, trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp. Ảnh: Song Lê
Động thái chấn chỉnh của Chính phủ và cơ quan chức năng sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp vận hành ngày càng bài bản, trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp. Ảnh: Song Lê

Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu các cơ quan chức năng chủ động theo dõi sát diễn biến của thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, thị trường trái phiếu trong nước và quốc tế để chủ động, kịp thời thực hiện biện pháp ổn định thị trường; yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp phát hành và các thành viên của thị trường chủ động công bố thông tin theo đúng quy định, không để xảy ra các vi phạm về công bố thông tin gây ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.

Trước đó, Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xác minh để xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm, bảo đảm các hoạt động phát hành, đầu tư và sử dụng vốn TPDN đúng mục đích, hiệu quả, lành mạnh, minh bạch, ổn định, an toàn, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến thị trường TPDN và phát hành, đầu tư TPDN để kịp thời sửa đổi, bổ sung, báo cáo Thủ tướng kết quả rà soát trước ngày 30/4/2022.

Về chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính cho biết đang đề xuất một số chính sách bao gồm: thu hẹp quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm hạn chế việc chuyển nhượng vốn lòng vòng, gây thiếu minh bạch và khó khăn cho nhà đầu tư khi đánh giá rủi ro của trái phiếu và doanh nghiệp phát hành. Cùng với đó, hướng dẫn cụ thể về điều kiện phát hành và hồ sơ chào bán, yêu cầu về tỷ lệ an toàn tài chính khi phát hành trái phiếu, tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu; quy định rõ loại trái phiếu nhà đầu tư cá nhân được mua và giao dịch nhằm định hướng nhà đầu tư cá nhân mua các TPDN có tính an toàn và công khai, minh bạch hơn.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định về trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ nhằm chấn chỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Theo công ty dịch vụ tài chính FiinGroup, việc một số trường hợp vi phạm liên quan đến thị trường TPDN bị cơ quan quản lý ra quyết định xử lý, thông điệp từ Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thị trường TPDN, chủ trương thay đổi chính sách về mua bán TPDN của các tổ chức tín dụng và phát hành riêng lẻ có thể sẽ làm cho thị trường TPDN giảm đáng kể về quy mô phát hành vào năm 2022.

Tuy nhiên, FiinGroup kỳ vọng sự thay đổi theo xu hướng các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, công ty niêm yết thông tin minh bạch sẽ đẩy mạnh hoạt động phát hành TPDN. Đồng thời, có thể có sự thay đổi về chất của thị trường TPDN thể hiện ở việc phát hành đại chúng tăng trưởng mạnh về quy mô, phát hành riêng lẻ vẫn được thực hiện mặc dù kém sôi động hơn các năm qua và hướng đến cơ sở nhà đầu tư rộng rãi hơn thay vì tập trung phần lớn vào ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, thời gian qua, xảy ra những vụ việc vi phạm pháp luật trên thị trường TPDN do quy định pháp luật thiếu đồng bộ, công tác giám sát chưa đầy đủ và chặt chẽ... “Động thái chấn chỉnh của Chính phủ và cơ quan chức năng là cần thiết. Trong ngắn hạn, việc này có thể khiến dòng vốn đổ vào thị trường suy giảm. Tuy nhiên, thị trường sẽ vận hành ngày càng bài bản, từng bước trở thành kênh huy động vốn lành mạnh cho nền kinh tế”, ông Hiếu nói.

Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, các động thái của Chính phủ là cần thiết để “răn đe” các hành vi, thủ đoạn huy động vốn trái phép, tạo niềm tin cho thị trường. Những nội dung đề xuất của Bộ Tài chính là đúng và trúng, song cần bổ sung thêm việc phát triển hoạt động xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp để nhà đầu tư không chuyên có cơ sở đánh giá trước khi tham gia thị trường.

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, điểm quan trọng nhất trong quy định về phát hành TPDN là tỷ lệ vay nợ trên vốn chủ sở hữu hợp lý. Nhiều quốc gia cũng áp dụng nguyên tắc này để bảo đảm doanh nghiệp có đủ năng lực trả nợ. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể việc kiểm tra, giám sát phát hành TPDN, tăng cường chế tài xử lý với các hành vi chậm báo cáo thông tin, báo cáo không trung thực.

Chuyên đề