Cẩn trọng trước những rủi ro khi mua gói đầu tư "lãi khủng" của Bất động sản Nhật Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Như Báo Đấu thầu đã đưa tin trước đó, nhiều người dân đang truyền tai nhau về các khoản đầu tư mang lại lãi suất lên đến hơn 30%/năm khi góp vốn vào Công ty CP Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam (gọi tắt là Bất động sản Nhật Nam). Hình thức huy động vốn với cam kết lãi suất cực kỳ “khủng” đang nở rộ mà nếu nhà đầu tư không sáng suốt có thể gặp nhiều rủi ro mất tiền.
Bà Vũ Thị Thúy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam
Bà Vũ Thị Thúy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam

Theo giới thiệu từ nhân viên tư vấn, Bất động sản Nhật Nam hiện cung cấp 2 loại hình đầu tư. Cụ thể, gói đầu tư tặng thẻ giảm giá khi mua bất động sản (BĐS) có thời hạn hợp đồng 24 tháng. Sau 2 ngày hợp đồng có hiệu lực, nhà đầu tư đã có thể nhận gốc và lãi theo ngày (không tính thứ Bảy, Chủ nhật và các ngày nghỉ lễ, Tết). Có 10 mức đầu tư, giá trị các gói từ 20 triệu đồng đến 5 tỷ đồng. Chưa hết, sau khi được nhận đủ cả gốc và lãi sau 24 tháng, nhà đầu tư sẽ được nhận thêm voucher (phiếu) giảm giá bằng chính số tiền họ đầu tư ban đầu khi mua bất kỳ BĐS nào thuộc sở hữu của Công ty.

Gói đầu tư thứ hai không có voucher giảm giá, mức lãi suất nhà đầu tư nhận được rất cao. Cụ thể, với mức đầu tư 50 triệu đồng, cả gốc và lãi mỗi ngày nhà đầu tư nhận được là 175.000 đồng, sau 24 tháng là 84 triệu đồng. Tính ra mức lãi suất mà Bất động sản Nhật Nam trả cho nhà đầu tư cao hơn 34%/năm. Tại gói đầu tư này, sau khi hợp đồng hết hiệu lực, nhà đầu tư sẽ không được tặng voucher giảm giá khi mua BĐS.

Mẫu hợp đồng mà nhân viên Bất động sản Nhật Nam cung cấp cho thấy dù được ghi là “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” nhưng theo các điều khoản hợp đồng, nhà đầu tư sẽ không can thiệp và/hoặc tham gia vào bất kỳ hoạt động quản lý, điều hành, giám sát công việc kinh doanh của Công ty. Số vốn đó sẽ được Công ty toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm quản lý.

Theo nguồn tin của Báo Đấu thầu, Bất động sản Nhật Nam được thành lập vào đầu tháng 7/2019. Vốn điều lệ đăng ký ban đầu ở mức 50 tỷ đồng do bà Vũ Thị Thúy sở hữu. Nữ doanh nhân này sinh năm 1983 có hộ khẩu thường trú ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.

Cuối tháng 8/2019, Công ty tăng vốn điều lệ đăng ký lên mức 200 tỷ đồng. Tong đó, ngoài việc bà Thúy đăng ký góp thêm 50 tỷ đồng thì 2 cổ đông cá nhân khác mỗi người góp 50 tỷ đồng là Mai Thanh Tùng và Vũ Đức Tại. Được biết, bà Thúy và ông Tùng trong thời gian này đã cầm cố 1 chiếc xe ô tô nhãn hiệu MERCEDES-BENZ để vay vốn tại Ngân hàng VPBank. Kể từ đó, ngành nghề kinh doanh chính của Bất động sản Nhật Nam được đổi thành kinh doanh BĐS.

Kết thúc năm 2019, doanh thu thuần của Công ty chưa đến 1 tỷ đồng (đạt 0,317 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế âm 2,2 tỷ đồng. Tổng tài sản tính đến cuối 2019 là 298,2 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu đạt 197,7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hợp đồng cũng không nêu rõ lĩnh vực góp vốn kinh doanh của Bất động sản Nhật Nam, mà chỉ được ghi khá chung chung “dự án kinh doanh, dự án bất động sản tiềm năng và các cơ hội kinh doanh khác để đầu tư, kinh doanh hiệu quả”. Hợp đồng cũng không nêu rõ trách nhiệm của Công ty khi trong trường hợp việc đầu tư kinh doanh tiêu cực hay các tài sản đảm bảo của Công ty cho những nhà đầu tư góp vốn.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho biết, trên thực tế thì để có được mức lãi suất như cam kết là điều vô cùng khó khăn nếu không nói là bất khả kháng đối với bất kỳ loại hình kinh doanh thuần túy nào, vì để đạt được 20%/năm đã là ước mơ với các nhà đầu tư lão luyện trên thế giới. Với lãi suất trên hoàn toàn có quyền nghi ngờ về tính chân thực, hiệu quả và dẫn đến tỷ lệ rủi ro khá cao cho các nhà đầu tư trong trường hợp mọi thỏa thuận đều đúng quy định pháp luật.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền nhấn mạnh, hình thức đầu tư này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Trong hợp đồng ký kết thì chỉ ghi số tiền đầu tư của nhà đầu tư mà không ghi rõ những tài sản đang có của bên A là Bất động sản Nhật Nam, không ghi rõ trách nhiệm của bên A và lĩnh vực đầu tư cụ thể. Bởi vậy, đây không phải là một hợp đồng hợp tác kinh doanh đơn thuần mà nội dung hướng đến việc huy động vốn bằng hình thức vay không có thế chấp. Chính vì vậy, những người tham gia ký kết hợp đồng này sẽ không được nắm giữ tài sản đảm bảo, sẽ không được quản lý việc sử dụng tiền, thậm chí phạm vi đầu tư kinh doanh rất rộng, chỉ biết đưa tiền nhưng không biết đồng tiền của mình sẽ sử dụng như thế nào. Trong trường hợp nếu doanh nghiệp này nhận tiền sau đó phá sản hoặc không đầu tư đúng mục đích dẫn đến mất vốn thì rủi ro hoàn toàn thuộc về các tổ chức cá nhân góp tiền.

Chuyên đề