Cải thiện môi trường kinh doanh: Thách thức ngày càng lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Không thể phủ nhận những chuyển biến tích cực của môi trường kinh doanh trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo một số dự báo, trong giai đoạn 5 năm tới, Việt Nam sẽ đối mặt với khó khăn và thách thức lớn hơn rất nhiều trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là trong cuộc đua với các nước khu vực ASEAN.
Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều trở ngại. Ảnh: LTT
Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều trở ngại. Ảnh: LTT

Đòi hỏi ngày càng lớn

Theo báo cáo Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam - Góc nhìn từ doanh nghiệp (DN) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) thực hiện, tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2020 dường như chậm lại so với các năm trước.

Xu hướng thay đổi của các lĩnh vực tương đối trái ngược nhau. Các lĩnh vực có điểm số thấp như phá sản, bảo vệ nhà đầu tư và xuất nhập khẩu có xu hướng tăng điểm. Trong khi đó, các lĩnh vực có điểm cao như thành lập DN, tiếp cận điện năng lại giảm điểm. Tiếp cận tín dụng năm 2020 được cảm nhận khó khăn hơn so với năm 2019, trong khi DN cảm nhận thủ tục thuế “dễ thở” hơn nhiều.

Các thủ tục hành chính liên quan đến xây dựng dù được cải thiện nhưng vẫn chưa thực sự dễ dàng với DN. Năm 2020, lĩnh vực này giảm điểm so với năm 2019 nhưng vẫn ở mức cao hơn so với năm 2017 và 2018. Các thủ tục mà DN gặp khó khăn nhất là đất đai, giải phóng mặt bằng, quy hoạch xây dựng… Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2020 yêu cầu tăng cường kỷ luật trong giải quyết thủ tục hành chính về xây dựng, rút ngắn thời gian cấp phép và thanh tra, kiểm tra không quá 50 ngày và phải áp dụng quản lý rủi ro. Tuy nhiên, nhiều yêu cầu chưa được thực hiện và DN không cảm nhận được tác động tích cực từ các biện pháp này.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, có một số mô hình hiệu quả về giám sát cải cách như Canada (Ủy ban đặc biệt thuộc Hội đồng Bộ trưởng - Ban Thư ký Hội đồng Bộ trưởng về thể chế); Hàn Quốc (Ủy ban Tổng thống về cải cách thể chế, Tổng thống bổ nhiệm và Thủ tướng làm Chủ tịch, được thành lập bởi một số đạo luật); Anh (Hội đồng chịu trách nhiệm thể chế được giao quyền bác đề xuất chính sách nếu không đạt chất lượng); Mỹ (Văn phòng Thông tin và Thể chế có quyền gửi trả lại đề xuất chính sách nếu không đạt chất lượng, kèm theo yêu cầu sửa đổi, bổ sung)...

Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, cộng đồng DN cảm thấy môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều trở ngại. Các điều kiện kinh doanh bất cập ở cấp luật nhưng các bộ, ngành chậm đề xuất sửa đổi. Một số điều kiện kinh doanh quy định chồng chéo, không cần thiết, không minh bạch hoặc can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh, quyền tự quyết của DN. Hoạt động kiểm tra chuyên ngành chuyển biến chậm. Cơ chế một cửa vận hành chưa thực sự hiệu quả khi DN vẫn phải nộp kèm bản giấy cùng với bản điện tử; thiếu kết nối giữa các bộ, ngành; hệ thống công nghệ thông tin thường xuyên bị nghẽn.

Cải cách tính minh bạch, bình đẳng

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, có một thực tế là dường như các vấn đề dễ làm thì chúng ta đã làm rồi, những việc còn lại cần phải làm đều là những phần “khó nhằn”. Một trong những vấn đề nổi cộm được Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020 chỉ rõ là hạn chế trong minh bạch thông tin. Số DN trả lời cần có mối quan hệ để tiếp cận tài liệu vẫn còn nhiều.

“Ngày càng có nhiều DN phản ánh tình trạng thông tin được công bố rất chung chung, chỉ là con số tổng, không có ý nghĩa để DN sử dụng”, ông Lộc cho biết.

Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, sau gần 2 năm, số lượng văn bản về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tăng hơn 120 văn bản.

Ông Hiếu nhận định, giai đoạn tới phải đối mặt với 5 thách thức lớn trong cải thiện môi trường kinh doanh, gồm: cải cách không đều; cạnh tranh mạnh mẽ trong khu vực và Việt Nam vẫn đang ở khoảng cách xa so với các nước; tính chất phức tạp và độ khó tăng lên; rào cản khác đối với kinh doanh; động lực cải cách.

“Thách thức và đòi hỏi cải cách là rất lớn, đặc biệt theo yêu cầu của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Những yếu tố cần được cải cách như tính minh bạch, bình đẳng, tiên liệu được và ít rủi ro”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Để đẩy mạnh thực thi cải cách hiệu quả và bền vững, ông Hiếu đề xuất thành lập một cơ quan giám sát cải cách, đảm bảo có đủ thẩm quyền, năng lực và độc lập.

Trong thời gian tới, theo bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM, cần tiếp tục thực hiện các chương trình cải cách môi trường kinh doanh. Trọng tâm là xác định mục tiêu và giải pháp trên cơ sở tham chiếu các chuẩn mực quốc tế; chú trọng các giải pháp giải quyết vướng mắc, bất cập đối với DN, người dân do sự thiếu kết nối, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan; thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số trong quản lý nhà nước…

VCCI đưa ra kiến nghị về các nhóm giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, đáng chú ý là kiến nghị sớm sửa đổi Luật Đất đai (tập trung vào giảm thời gian làm thủ tục, minh bạch thông tin); đẩy mạnh điện tử hóa dịch vụ công (tăng tỷ lệ hồ sơ nộp và tiếp nhận trực tuyến); tập trung cải thiện vào nhóm các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư xây dựng…

Chuyên đề