Bốn trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh 2021

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đưa ra những giải pháp cô đọng, gợi mở hướng cải cách môi trường kinh doanh là một trong nhiều điểm mới tại dự thảo phiên bản năm 2021 của Nghị quyết số 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Dự thảo Nghị quyết đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện.
Hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh là một trong những nhóm vấn đề trọng tâm của Chính phủ trong năm 2021. Ảnh: Huấn Anh
Hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh là một trong những nhóm vấn đề trọng tâm của Chính phủ trong năm 2021. Ảnh: Huấn Anh

Ghi nhận nhiều nỗ lực

Liên tiếp trong những ngày gần đây, các tổ chức quốc tế đã đưa ra dự báo hết sức tích cực về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 bất chấp ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 gây nên. Gần đây nhất, vào ngày 21/12, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 sẽ đạt mức gần 3% trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm ít nhất 4%. Đầu tháng này, Ngân hàng Phát triển châu Á cũng nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 2,3% so với mức 1,8% công bố trước đó...

Các tổ chức trên cho rằng, kết quả tích cực này đạt được nhờ Chính phủ Việt Nam đã có những giải pháp kiềm chế được đại dịch sớm, quyết liệt và sáng tạo. Đồng thời, Chính phủ có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho khu vực tư nhân và thúc đẩy phục hồi, trong đó có việc tích cực thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN).

Đề cập rõ hơn về những kết quả đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết 02, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: “Năm 2020, Việt Nam tiếp tục thực hiện cải cách với những kết quả cơ bản khá tích cực, mặc dù dịch Covid-19 khiến một số tổ chức quốc tế không thực hiện xếp hạng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Điều này khiến một số chỉ số chưa được cập nhật theo đánh giá quốc tế”.

Theo bà Thảo, phản hồi của WB về việc cập nhật chính sách của Việt Nam đã ghi nhận những cải cách hết sức tích cực trong năm 2020 về khởi sự kinh doanh, nộp thuế và bảo hiểm xã hội để cải thiện môi trường kinh doanh.

Bên cạnh đó, các chỉ số khác liên quan cũng ghi nhận những bước tiến tích cực. “Chỉ số Đổi mới sáng tạo Việt Nam duy trì ở thứ hạng tốt (thứ hạng 42), bởi theo đánh giá của quốc tế, khi một quốc gia đứng thứ hạng từ 50 trở lên là thứ hạng tốt”, bà Thảo cho biết. Xếp hạng về Chính phủ điện tử cũng được nâng hạng, năm 2020, Việt Nam tăng 2 bậc so với năm 2018 nhờ ứng dụng mạnh công nghệ thông tin để thực hiện các giao dịch điện tử. Về chất lượng các quy định pháp luật, WB đánh giá, chất lượng quy định của pháp luật Việt Nam được cải thiện liên tục trong 3 năm gần đây. Năm 2020, việc kiểm soát tham nhũng của Việt Nam cũng tốt hơn; Chỉ số phát triển con người tăng 1 bậc so với năm 2019; Chỉ số phát triển bền vững tăng ngoạn mục…

Song bên cạnh kết quả đạt được, nhìn vào hoạt động cắt giảm các rào cản kinh doanh như: cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, CIEM nhìn nhận là chưa có nhiều chuyển biến. Hoạt động cắt giảm điều kiện kinh doanh năm 2020 vẫn duy trì các cải cách của những năm trước. Trong năm, một số bộ, ngành có rà soát lại điều kiện kinh doanh nhưng chưa có sự đột biến rõ rệt so với năm 2019. Kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa thì chững lại và ít có chuyển biến…

Ưu tiên nào trong phiên bản Nghị quyết 02 năm 2021?

Nối tiếp ngọn lửa cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong 5 Nghị quyết 19 và 2 Nghị quyết 02 trước đó, đại diện Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh cho biết, Dự thảo Nghị quyết 02 năm 2021 ngoài việc tiếp tục nhấn mạnh thực hiện các giải pháp trước đây, còn tập trung vào 4 nhóm vấn đề trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh.

Giải pháp đầu tiên là khắc phục những yếu kém, hạn chế trong việc kết nối giữa các cơ quan trong quản lý nhà nước, giải quyết các vướng mắc, bất cập và rào cản pháp lý đối với đầu tư kinh doanh. Bởi thực tế hiện nay, công tác phối hợp giữa các đơn vị này rất lỏng lẻo, vai trò đầu mối của các cơ quan vẫn “đơn thương, độc mã”…

Hai là, tập trung vào chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước, chia sẻ và kết nối liên thông điện tử giữa các cơ quan nhà nước, hướng tới xây dựng Chính phủ số phục vụ cho những cải cách gắn với số hóa, dữ liệu lớn phục vụ tốt nhất cho nền sản xuất mới, thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Ba là, chú trọng cải cách thể chế, hỗ trợ DN tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh nhằm mục tiêu phát triển bền vững.

Bốn là, hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

“Đây là những giải pháp rất cô đọng. Chính vì thế, Dự thảo Nghị quyết 02 năm 2021 sẽ không đưa ra những giải pháp cụ thể mà đề xuất định hướng như vậy nhằm gợi mở hướng cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ năm 2021 mà cho cả trung và dài hạn”, bà Thảo nhấn mạnh.

Chuyên đề