Cải thiện môi trường kinh doanh, tăng lực cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được coi là yếu tố có tính quyết định giúp nền kinh tế bắt nhịp đà phục hồi kinh tế trên thế giới. Để thực hiện được điều này, cần có sự phối hợp từ các chính sách hỗ trợ nâng cao nội lực của doanh nghiệp về vốn, nguồn lực, quan trọng hơn nữa là cải thiện môi trường kinh doanh.
Sự phối hợp thiếu đồng bộ của các địa phương có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất. Ảnh: Tiên Giang
Sự phối hợp thiếu đồng bộ của các địa phương có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất. Ảnh: Tiên Giang

Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse chia sẻ, sau mấy tháng giãn cách, nhiều doanh nghiệp mất khoảng 50 - 70% doanh thu do thị trường tiêu thụ trong nước trì trệ, đứt gãy. Những doanh nghiệp không có dự phòng tốt đến nay gần như kiệt quệ tài chính. Các doanh nghiệp giữ được thị trường xuất khẩu tốt thì có thể cân đối được dòng tiền nhưng vẫn gặp khó khăn về tiếp cận khách hàng quốc tế và mở rộng mặt bằng sản xuất. Nhiều khách hàng nước ngoài muốn nhập khẩu hàng của Việt Nam cần đến nhà máy tại Việt Nam để khảo sát, kiểm tra nhưng hiện rất khó. Bên cạnh đó, việc mở rộng mặt bằng sản xuất để đón cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng gặp rất nhiều khó khăn do thủ tục hành chính phức tạp.

Theo ông Phú, với chính sách phòng dịch ngặt nghèo và không đồng bộ, doanh nghiệp có thể mất rất nhiều cơ hội. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh chưa cải thiện mạnh mẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Khi đó, những chính sách hỗ trợ tài khóa, tiền tệ cũng không còn nhiều ý nghĩa. Do đó, cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh. Thực tế, giai đoạn vàng tận dụng cơ hội từ các FTA chỉ còn 1 - 3 năm nữa, giai đoạn sau sẽ không còn nhiều lợi thế. Do đó, nếu không nhanh chóng nắm bắt, doanh nghiệp sẽ lỡ nhịp.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn doanh nghiệp có y tế cơ sở trong điều trị F0 để không ảnh hưởng đến sản xuất, không phong tỏa cả nhà máy. Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội kiến nghị cần nhanh chóng có ngay các giải pháp cụ thể hoá Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Đồng thời, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm và nâng tỷ lệ bao phủ vắc xin đối với doanh nghiệp; có hướng dẫn cụ thể hơn về y tế tại chỗ, nhất là hướng dẫn cách ly y tế khi phát hiện có các ca F0, F1, tránh tình trạng đóng cửa toàn bộ nhà máy…

Theo TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam hứng chịu nỗi đau lớn từ dịch bệnh, đặc biệt ở các trung tâm kinh tế. Bên cạnh đó, sự phối hợp thiếu đồng bộ của các địa phương càng làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất.

Do đó, vị chuyên gia này cho rằng, cần có thêm nhiều giải pháp hỗ trợ khả thi hơn, quy mô lớn hơn. Theo đó, có thể tính toán giảm thuế giá trị gia tăng ở quy mô đủ rộng để kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ người lao động. Đồng thời, có thể cho phép chuyển lỗ về các năm trước để doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế ngành thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) cho rằng, nên chú trọng các giải pháp giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Trong đó, có thể xem xét giảm phí BOT, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu để giảm giá mặt hàng này, góp phần giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Ông Jonathan Pincus, Cố vấn kinh tế cao cấp của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng, rất cần đẩy mạnh năng lực cạnh tranh, năng suất của doanh nghiệp trong nước để tăng năng lực xuất khẩu. “Không có cách nào khai thác tổng cầu trên quy mô lớn nếu không tận dụng được thị trường xuất khẩu. Tương lai kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa trên thị trường quốc tế”, ông Jonathan Pincus nhấn mạnh.

Chuyên đề