UBND TP. Hà Nội vừa chấp thuận về mặt nguyên tắc với việc đầu tư khách sạn tại số 22 - 32 phố Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Phan Hồng |
Đây được coi là “khu đất vàng” ở vị trí trung tâm Thủ đô, với diện tích đất lên tới 2.871 m2 nằm sát Hồ Gươm. Mảnh đất này đang được quản lý bởi Công ty CP Intimex Việt Nam (Intimex).
Như vậy, sau hơn 1 năm Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái vốn tại đây, cuối cùng tài sản thực sự đắt giá của Intimex cũng được chuyển đổi mục đích sử dụng thành kinh doanh khách sạn, thế mạnh của cổ đông chiến lược BRG Group.
Khi tập đoàn bất động sản dòm ngó siêu thị
Giữa tháng 9 năm ngoái, SCIC ra thông báo bán đấu giá toàn bộ cổ phần tổ chức này nắm giữ tại Intimex. Theo đó, 3,68 triệu CP sẽ được bán đấu giá công khai với mức giá khởi điểm 11.200 đồng/CP. 8,57 triệu CP sẽ được SCIC chào bán cho Công ty TNHH Thung lũng Vua theo giá đấu thành công thực tế thấp nhất của số cổ phần bán đấu giá nói trên. Lượng cổ phần SCIC chào bán cho Thung lũng Vua tương đương 34,3% vốn điều lệ Intimex.
Thung lũng Vua không phải cái tên xa lạ. Đây là một trong những thành viên của BRG Group, tập đoàn đang quản lý Sân golf King’s Island tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, Sân golf Đồ Sơn Seaside Golf Resort tại Đồ Sơn, Hải Phòng… BRG lúc bấy giờ đang trực tiếp nắm giữ 11,6% cổ phần của Intimex. Cộng cả số lượng gom từ SCIC, tập đoàn này là cổ đông lớn nhất nắm giữ gần 46% cổ phần Intimex.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch của BRG Group đồng thời cũng giữ ghế Chủ tịch Intimex từ bấy đến nay. Vai trò của BRG Group tại Intimex là không thể phủ nhận.
Trong 3 năm từ 2012 - 2014, doanh thu thuần của Intimex liên tục giảm sút. Năm 2012 công ty này lỗ 3,8 tỷ đồng, tiếp tục lỗ gần 1 tỷ đồng năm 2013 và lãi vỏn vẹn 129 triệu đồng năm 2014. Tính đến cuối năm 2014, Intimex còn lỗ lũy kế 87 tỷ đồng. Mức giá khởi điểm 11.200 đồng/CP vì vậy nếu so với hiệu quả hoạt động của Intimex dường như là quá cao?
Kết quả có 6 nhà đầu tư cá nhân và 1 nhà đầu tư tổ chức đăng ký mua vào vượt số lượng CP bán ra, mức giá trúng từ 11.200 đồng - 11.500 đồng/CP. Căn cứ điều khoản, Thung lũng Vua đã chi khoảng 96 tỷ đồng để nhận 8,57 triệu CP Intimex từ SCIC.
Hạ màn
Những thông tin về Thung lũng Nữ hoàng chưa có nhiều, tuy nhiên, người đại diện của Công ty cũng mang tên Nguyễn Thị Nga. Ngoài ra, để bảo đảm sở hữu đa số tại Intimex, việc BRG nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty này thông qua việc mua vào cổ phiếu phát hành thêm cũng là điều dễ hiểu.
Dự án Khách sạn tại “khu đất vàng” trên phố Lê Thái Tổ (Hà Nội) đã được rục rịch từ tháng 7 năm nay, tức sau gần 10 tháng SCIC thoái vốn khỏi Intimex. Khi đó, mục đích đầu tư chiến lược của BRG Group mới được hé lộ. Với việc UBND TP. Hà Nội chấp thuận về mặt nguyên tắc việc đầu tư xây dựng này, gần như chắc chắn kế hoạch sẽ được triển khai và là một trong những dự án đắt giá, đẹp nhất tại Thủ đô.
Như vậy là, BRG Group đã mua Intimex trên danh nghĩa một doanh nghiệp kinh doanh siêu thị, với mức giá không mấy đắt đỏ (11.200 đồng/CP) và nhanh chóng triển khai dự án bất động sản đắt giá dựa trên tài sản mà Intimex nắm giữ. Đây là khoản đầu tư siêu lợi nhuận của BRG Group trong vòng hơn 1 năm. Ngược lại, SCIC dường như đã quá vội vàng thoái vốn khỏi Intimex với mức giá “rẻ” đến vậy.
Tuy nhiên không ít ý kiến cho rằng, lợi nhuận “bất ngờ” BRG Group có được là nhờ cái gật đầu của UBND TP. Hà Nội cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ kinh doanh siêu thị sang dự án bất động sản.