Bình Phước: Hồ sơ hiến đất làm đường ở Bình Long đi qua các cửa đều... "trót lọt"

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bài viết “Bình Phước: Dùng “chiêu” hiến đất làm đường để phân lô khiến quy hoạch tan hoang”, đăng trên Báo Đấu thầu ngày 18/11/2022, có một điều khiến nhiều người thắc mắc là tại sao một việc làm trái với chủ trương, diễn ra công khai trong một thời gian dài, lại dễ dàng như vậy?
Bằng việc hiến đất làm đường, chuyển mục đích và tách thửa, chuyển nhượng nêu trên, các trường hợp này đã dễ dàng thực hiện được dự án khu dân cư mà không phải thông qua bất cứ thủ tục nào như việc xin một dự án bình thường. Ảnh: Bảo Tín
Bằng việc hiến đất làm đường, chuyển mục đích và tách thửa, chuyển nhượng nêu trên, các trường hợp này đã dễ dàng thực hiện được dự án khu dân cư mà không phải thông qua bất cứ thủ tục nào như việc xin một dự án bình thường. Ảnh: Bảo Tín

Hồ sơ đi qua các cửa đều "trót lọt"

Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, trình tự, thủ tục thực hiện việc hiến đất làm đường trên địa bàn thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước trong giai đoạn 2015 - 2019 đối với 105 trường hợp như Báo Đấu thầu đã có bài phản ánh, gồm hai trường hợp.

Thứ nhất là trường hợp không có quyết định thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất sang đất giao thông đối với diện tích đất xin hiến để làm đường (chỉ thực hiện đăng ký biến động giảm diện tích để mở đường đi). Thứ hai là trường hợp có quyết định thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất sang đất giao thông đối với diện tích đất xin hiến để làm đường.

Dù hai trường hợp này có một vài công đoạn khác nhau, nhưng về cơ bản, sau khi hộ gia đình, cá nhân có đơn xin hiến đất làm đường, thì các bước tiếp theo hồ sơ đều “đi qua” Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Bình Long, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Bình Long thẩm tra, xác minh, trước khi trình UBND thị xã Bình Long ban hành quyết định phê duyệt.

Bước cuối cùng, Chi nhánh Văn phòng quản lý đất đai thị xã Bình Long mới thực hiện chỉnh lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hồ sơ địa chính, thể hiện các tuyến đường hiến lên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với trường có quyết định thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất sang đất giao thông đối với diện tích đất xin hiến để làm đường).

Thông thường, đối với các trường hợp thực hiện dự án khu dân cư thì phải xin chủ trương đầu tư để thực hiện dự án, lập quy hoạch chi tiết xây dựng và chuyển mục đích sử dụng sang đất ở đối với toàn bộ diện tích đất.

Song, bằng việc hiến đất làm đường, chuyển mục đích và tách thửa, chuyển nhượng nêu trên, các trường hợp này đã dễ dàng thực hiện được dự án khu dân cư mà không phải thông qua bất cứ thủ tục nào như việc xin một dự án bình thường, đồng thời "né" được một khoản tiền sử dụng đất phải nộp khi chuyển nhượng mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở.

Liệu có sự tiếp tay?

Trong 105 trường hợp mở đường trong giai đoạn 2015 - 2019, kết luận thanh tra của UBND tỉnh Bình Phước cho biết, việc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Bình Long chấp thuận cho 14 trường hợp hộ gia đình, cá nhân xin hiến đất làm đường thông qua việc thực hiện thủ tục đăng ký biến động giảm diện tích để mở đường là không đúng với thẩm quyền và không đúng với chức năng, nhiệm vụ quyền hạn.

Đặc biệt, việc Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Bình Long tham mưu cho UBND thị xã Bình Long chấp thuận cho 91 trường hợp hộ gia đình, cá nhân hiến đất làm đường mà thực chất là tự mở đường trên đất thông qua quyết định thu hồi đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất giao thông nhưng không đúng và không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của thị xã Bình Long đã được phê duyệt là vi phạm Luật Đất đai.

Theo quy định của pháp luật, UBND thị xã Bình Long phải cấp giấy phép xây dựng theo thẩm quyền, nhưng ở đây lại đều do người dân tự thực hiện. Ảnh: Bảo Tín

Theo quy định của pháp luật, UBND thị xã Bình Long phải cấp giấy phép xây dựng theo thẩm quyền, nhưng ở đây lại đều do người dân tự thực hiện. Ảnh: Bảo Tín

Liên quan đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng (hệ thống đường giao thông, điện chiếu sáng, điện sinh hoạt, hệ thống thoát nước…) của 105 trường hợp hiến đất này, theo quy định của pháp luật, UBND thị xã Bình Long phải cấp giấy phép xây dựng theo thẩm quyền, nhưng ở đây lại đều do người dân tự thực hiện.

Tuy nhiên, sau đó UBND thị xã Bình Long không tiến hành xử lý mà khi các chủ đất xây dựng xong, UBND thị xã Bình Long lại ban hành văn bản xác nhận kết quả đầu tư hạ tầng kỹ thuật (cho 75/105 trường hợp) dựa trên cơ sở báo cáo kết quả của UBND các xã, phường hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường.

Việc làm này của UBND thị xã Bình Long là trái với ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Phước tại Công văn 2933 ngày 30/8/2017: "Khi chấp thuận cho các tổ chức, cá nhân hiến đất làm đường trong đô thị phải thực hiện theo quy hoạch và các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quy hoạch đô thị. Kiểm tra rà soát và không chấp thuận cho các tổ chức, cá nhân hiến đất làm đường đối với mục đích tách thửa để phân lô bán nền trong phạm vi các đô thị trên địa bàn tỉnh".

Những sai phạm trên, theo kết luận thanh tra, trách nhiệm thuộc về UBND thị xã Bình Long, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Bình Long, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Bình Long và các công chức, viên chức, nhân viên tham mưu thực hiện hồ sơ, trực tiếp thực hiện hồ sơ. UBND các xã, phường liên quan cũng không thể không chịu những trách nhiệm liên đới về việc này. Trách nhiệm thì đã chỉ ra, nhưng hậu quả của việc phá nát quy hoạch không biết đến khi nào mới xử lý xong.

Chuyên đề