Bất cập đơn giá, định mức xây dựng công trình truyền tải điện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương kiến nghị điều chỉnh đơn giá, định mức xây dựng đường dây truyền tải điện trên không. Nguyên nhân là đang có những bất hợp lý trong một số đơn giá, định mức đối với các đường dây và trạm thuộc dự án đường dây truyền tải điện, ảnh hưởng rất lớn đến nhà thầu xây lắp.
Các hướng dẫn áp dụng định mức đối với phần xây dựng đường dây truyền tải điện đến nay đã lạc hậu, gây khó khăn cho nhà thầu. Ảnh: Nguyễn Thế Anh
Các hướng dẫn áp dụng định mức đối với phần xây dựng đường dây truyền tải điện đến nay đã lạc hậu, gây khó khăn cho nhà thầu. Ảnh: Nguyễn Thế Anh

Nhà thầu ở thế khó

Theo VEA, các nhà thầu xây lắp lĩnh vực truyền tải điện chưa bao giờ gặp nhiều khó khăn như hiện nay, kể cả những đơn vị xây lắp lớn như Tổng công ty CP Xây dựng điện Việt Nam (VNECO) từng xây lắp các đường dây 500 kV, 220 kV, 110 kV.

Khó khăn trước hết là thiếu mặt bằng thi công các dự án xây lắp đường dây và trạm của các công trình đường dây truyền tải điện, dẫn đến thời gian thi công kéo dài, kéo theo các chi phí như thuê kho bãi, lán trại, chi phí quản lý phát sinh. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, các chi phí này không được tính phát sinh trong hợp đồng, gây thiệt hại lớn cho nhà thầu.

“Các hợp đồng đấu thầu thi công này ký kết theo loại hợp đồng đơn giá cố định, nhưng do nhiều yếu tố khách quan khiến công trình kéo dài thời gian thực hiện, giá vật tư lại tăng vọt (như thép, đúc móng, chế tạo cột), tăng trên 40% so với đơn giá ghi trong hợp đồng. Tuy vậy, nhà thầu xây lắp không được bù giá”, VEA cho biết.

Ngoài ra, nhà thầu đảm nhận việc chi trả đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, theo VEA, giá đền bù hiện nay cao hơn nhiều so với quy định của Nhà nước. Theo đó, nhà thầu phải thỏa thuận với người dân phần chi phí phát sinh làm tăng chi phí gói thầu, ảnh hưởng lớn tới tài chính nhà thầu, đồng thời làm chậm tiến độ của dự án.

Liên quan đến định mức xây lắp đường dây, các hướng dẫn áp dụng định mức đối với phần xây dựng đến nay đã lạc hậu, không còn phù hợp. VEA cho biết, hầu hết các công trình truyền tải điện đều thuộc các công trình dạng tuyến có chiều dài hàng trăm km đi qua nhiều địa hình khác nhau (đồi núi, sông suối, đầm lầy). Việc di chuyển máy móc, điều động nhân lực, vận chuyển vật tư, vật liệu rất khó khăn…, khiến tăng chi phí cho nhà thầu. Tuy nhiên, hướng dẫn định mức đối với phần xây dựng tại Văn bản số 5607/EVN-ĐT áp dụng theo bộ định mức tại Công văn số 1776/BXD-VP ngày 16/8/2007 của Bộ Xây dựng cho phần thi công móng công trình đường dây tải điện không phản ánh được những đặc điểm đó.

Về tổng hợp dự toán chi phí và xác định chi phí xây dựng, công tác xây lắp đường dây bao gồm xây dựng và lắp đặt. Theo nội dung hướng dẫn phần tổng hợp dự toán chi phí tại Văn bản số 5607/EVN-ĐT ngày 28/12/2016 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, bộ định mức dự toán chuyên ngành lắp đặt đường dây tải điện và lắp đặt trạm biến áp được Bộ Công Thương ban hành theo Quyết định số 4970/QĐ-BCT là định mức lắp đặt, không bao gồm công tác xây dựng, phần chi phí này cũng không phù hợp với thực tế.

“Nếu những khó khăn, vướng mắc này không được tháo gỡ có thể khiến các nhà thầu xây lắp lĩnh vực truyền tải điện rơi vào nguy cơ thua lỗ, phá sản, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công các công trình đường dây truyền tải điện”, ông Lê Viết Ngãi, Chủ tịch VEA nhấn mạnh.

Đề xuất nhiều giải pháp gỡ khó

Để tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu xây lắp công trình đường dây truyền tải điện, VEA kiến nghị, các đơn giá chuyên ngành xây lắp điện đối với đường dây truyền tải điện cần được điều chỉnh để phù hợp với đặc thù của ngành xây lắp đường dây truyền tải điện trên không trong điều kiện thực tế, đảm bảo quyền lợi cho các đơn vị xây lắp điện.

“Những đơn giá, định mức này đến thời điểm hiện tại không phù hợp nữa thì nên điều chỉnh lại cho phù hợp”, ông Ngãi kiến nghị.

Đối với khó khăn trong việc thực hiện các hợp đồng đơn giá cố định bị đội giá gói thầu do giá vật liệu xây dựng tăng cao, VEA cho rằng, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư gặp rất nhiều khó khăn. Những gói thầu đã ký kết thì gần như không thể điều chỉnh sang loại hợp đồng khác (hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh). Vì thế, gợi ý cho các nhà thầu, một chuyên gia về đấu thầu cho rằng, trong quá trình dự thầu, các nhà thầu cần tính toán cẩn trọng, tránh các rủi ro. Nếu chọn loại hợp đồng theo đơn giá cố định, khi chào giá dự thầu, nhà thầu phải tính toán cả những rủi ro vào giá dự thầu.

Liên quan đến “nút thắt” về mặt bằng cho các công trình, VEA đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương quan tâm vào cuộc hỗ trợ, tránh tình trạng kéo dài thi công các công trình đường dây tải điện qua nhiều năm vì chậm giải phóng mặt bằng…

Chuyên đề