Nhiều địa phương tìm cách gỡ khó cho nhà thầu xây dựng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước tình trạng giá vật liệu cây dựng leo thang, nhiều địa phương đã tích cực vào cuộc nhằm gỡ khó cho nhà thầu, đồng thời bảo đảm tiến độ cho các dự án.
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Tường Lâm
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Tường Lâm

UBND tỉnh Cà Mau vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị xem xét ban hành chính sách bình ổn thị trường về giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là cát, đá, thép. Đồng thời, ban hành chủ trương bù giá thép, cát, đá đối với các hợp đồng thi công xây dựng ký theo hợp đồng trọn gói và đơn giá cố định do việc một số loại vật liệu xây dựng tăng giá bất thường.

Đối với các gói thầu thi công xây dựng công trình quy mô nhỏ (có giá trị gói thầu không quá 20 tỷ đồng) đã đóng thầu nhưng chưa ký hợp đồng, đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu nhưng chưa triển khai tổ chức lựa chọn nhà thầu và các gói thầu sẽ triển khai trong thời gian tới được phép áp dụng hình thức thực hiện hợp đồng khác với hình thức hợp đồng trọn gói (Điểm c Khoản 1 Điều 62 Luật Đấu thầu, quy định các gói thầu xây lắp quy mô nhỏ bắt buộc phải áp dụng hợp đồng trọn gói).

Cũng trong ngày 21/5/2021, UBND tỉnh Cà Mau có văn bản gửi các cơ quan liên quan trên địa bàn chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do việc tăng giá bất thường của một số loại vật liệu xây dựng. Theo đó, trong thời gian chờ chủ trương của các cấp có thẩm quyền, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các chủ đầu tư tập trung chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo quy định. Việc tạm dừng, hoãn một số dự án trên địa bàn Tỉnh sẽ được xem xét sau khi có chủ trương của các cấp có thẩm quyền.

Tỉnh Cà Mau yêu cầu các chủ đầu tư căn cứ vào hợp đồng đã ký kết và quy định pháp luật về hợp đồng, tình hình triển khai thực tế của từng gói thầu, nếu trường hợp cần thiết phải điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng (thẩm quyền thuộc Chủ tịch UBND Tỉnh) thì có văn bản gửi Sở Xây dựng để tham mưu, đề xuất UBND Tỉnh xem xét từng trường hợp cụ thể theo quy định pháp luật.

Đầu tháng 5/2021, hơn 40 nhà thầu xây dựng tại tỉnh Cà Mau đã có văn bản kêu cứu gửi UBND tỉnh Cà Mau do giá vật liệu tăng quá cao, khan hiếm vật liệu đã khiến công tác thi công lún sâu vào thua lỗ.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, năm 2021, trên địa bàn Tỉnh đã và đang triển khai khoảng 300 gói thầu xây dựng, với tổng giá trị khoảng 7.000 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 260 gói thầu thực hiện theo hợp đồng trọn gói hoặc hợp đồng theo đơn giá cố định với giá trị là 3.150 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, giá một số vật liệu xây dựng như: cát, đá, thép tăng cao bất thường. Cụ thể, so với cuối năm 2020, giá cát tăng khoảng 40 - 45%, giá đá tăng khoảng 5 - 10%, giá thép tăng khoảng 25 - 30%. Đặc biệt, xuất hiện tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng cục bộ. Những yếu tố này dẫn đến việc triển khai thi công xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Cà Mau gặp rất nhiều khó khăn, tiến độ thi công rất chậm. Một số công trình nhà thầu thi công cầm chừng và dừng thi công, ảnh hưởng rất lớn đến công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 của tỉnh Cà Mau.

Tại Sóc Trăng, UBND Tỉnh vừa có văn bản gửi các chủ đầu tư, nhà thầu để lấy ý kiến rộng rãi nhằm tìm kiếm giải pháp giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 và biến động giá vật liệu đến hoạt động xây dựng. Theo đó, tỉnh Sóc Trăng sẽ đánh giá toàn diện tác động tiêu cực đến việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Đặc biệt, các vấn đề phát sinh liên quan đến công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng. Tỉnh Sóc Trăng sẽ tập trung các giải pháp đối với các gói thầu ký kết hợp đồng theo đơn giá cố định và hợp đồng trọn gói.

Tại Tiền Giang, dù công bố giá vật liệu xây dựng khá kịp thời (ngày 15 hàng tháng công bố giá của tháng trước), nhưng diễn biến phức tạp của giá một số vật liệu xây dựng như cát, đá, thép đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động thi công xây dựng. “UBND Tỉnh muốn Sở Xây dựng phải công bố giá vật liệu xây dựng vào khoảng ngày 5 hàng tháng để nhà thầu kịp thời cập nhật nhằm xây dựng dự toán, đẩy nhanh tiến độ thi công”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng cho biết. Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho biết, những công trình đã ký hợp đồng và triển khai không thể điều chỉnh dự toán. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành công trình, sẽ có phương án xử lý đối với những công trình chênh lệch giá quá lớn.

Chuyên đề