66,1% người dân lạc quan về nền kinh tế quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2022 được công bố sáng ngày 12/4, những nỗ lực của Việt Nam trong năm 2022 nhằm khắc phục các tác động kinh tế - xã hội của hai năm đại dịch đã giúp tăng niềm tin của người dân vào điều kiện kinh tế hộ gia đình và quốc gia trong năm qua. Đáng chú ý, có tới 66,1% số người được hỏi đánh giá, nền kinh tế quốc gia là “tốt” vào năm 2022 - tăng 19,4 điểm phần trăm so với một năm trước đó.
Lễ công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2022 được tổ chức vào sáng ngày 12/4
Lễ công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2022 được tổ chức vào sáng ngày 12/4

Báo cáo PAPI 2022 là kết quả khảo sát ngẫu nhiên 16.117 người từ tất cả 63 tỉnh thành của Việt Nam nhằm cung cấp dữ liệu và thông tin về hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp trong hai năm đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 và đóng góp cho việc xây dựng chính sách, pháp luật quan trọng trong năm 2023, trong bối cảnh người dân kỳ vọng ngày càng cao về nền quản trị hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tế.

Báo cáo PAPI 2022 đánh giá 8 chỉ số nội dung, gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; và Quản trị điện tử.

Kết quả khảo sát PAPI 2022 cho thấy, thái độ của công chúng đối với vấn đề đẩy mạnh phòng chống tham nhũng đang thay đổi. Tỷ lệ người được hỏi cho rằng tham nhũng là vấn đề hệ trọng cần Nhà nước tập trung giải quyết tăng 4,8% với năm 2021. Trong đó, số người dân ghi nhận hiệu quả kiểm soát tham nhũng của chính quyền địa phương sụt giảm lần đầu tiên kể từ năm 2016, vì người dân cho rằng phải nhờ vào mối quan hệ thân quen với người có chức, có quyền mới xin được việc làm trong cơ quan nhà nước tăng lên và tỷ lệ người dân phải “chung chi” khi làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất cũng gia tăng.

Kết quả khảo sát PAPI 2022 cũng chỉ ra, người dân ghi nhận sự cải thiện trong việc công khai thông tin thu, chi ngân sách cấp xã trong năm qua. Tuy nhiên, chưa có nhiều chuyển biến tích cực ở khía cạnh công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương giúp cảnh báo sớm nguy cơ sai trái, từ đó góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu tham nhũng. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân vẫn phản ánh về tính thiếu chính xác trong việc lập danh sách hộ nghèo của chính quyền cấp cơ sở để hộ thực sự nghèo tiếp cận được sự hỗ trợ của Nhà nước.

Tuy cảm nhận về điều kiện kinh tế khá hơn, nỗi lo ngại của người dân về tác động của hai năm đại dịch vẫn còn đó, người dân tộc thiểu số và phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tỷ lệ nghèo đói và việc làm không ổn định cao hơn ở hai nhóm này. 56% số người được hỏi khẳng định điều kiện kinh tế hộ gia đình của họ năm 2022 là “tốt”, tỷ lệ này cao hơn so với năm 2021 (52% - mức thấp nhất kể từ năm 2012). Tương tự, những người cho rằng điều kiện kinh tế hộ gia đình của họ là “kém” đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2012, ngoại trừ năm 2021.

Toàn cảnh Lễ công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2022.

Toàn cảnh Lễ công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2022.

Sự chuyển dịch sang thời kỳ hậu đại dịch cũng được phản ánh trong ý kiến của người dân khi được hỏi về những vấn đề hệ trọng nhất cần Nhà nước tập trung giải quyết trong năm 2022. Tỷ lệ lựa chọn vấn đề y tế và bảo hiểm y tế là vấn đề hệ trọng nhất giảm mạnh từ 23,84% (PAPI 2021) xuống 6,38% (PAPI 2022). Vấn đề nghèo đói trở lại vị trí hàng đầu với 22,13% số người trả lời chọn vấn đề này năm 2022. Nghèo đói cũng là vấn đề liên tục đứng đầu danh sách các vấn đề được người dân quan tâm kể từ năm 2015, ngoại trừ năm 2021 khi Việt Nam chịu tác động mạnh của đại dịch Covid-19.

Việc thực hiện dân chủ cơ sở được khai thác sâu hơn trong bối cảnh việc bầu cử chọn trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố ở tất cả 63 tỉnh, thành phố vào năm 2022. Kết quả khảo sát PAPI 2022 cho thấy, tính cạnh tranh cho vị trí trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố có xu hướng giảm dần qua thời gian. Năm 2022, chỉ có 48% số người tham gia đi bầu trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố cho biết cuộc bầu cử có hơn một ứng cử viên để họ bầu chọn.

Về hiệu quả quản trị điện tử, các cấp chính quyền địa phương vẫn còn nhiều việc phải làm để người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhiều hơn, tương xứng với tỷ lệ lớn người dân đang sử dụng internet hiện nay. Năm 2022, tỷ lệ người dân cho biết họ có thể thực hiện một phần dịch vụ công trực tuyến để làm thủ tục xin xác nhận của chính quyền địa phương hoặc thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thấp hơn so với năm 2021. Về việc sử dụng Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG), số người trả lời cho biết họ đã sử dụng hoặc có hồ sơ người dùng trên Cổng DVCQG còn rất thấp: chưa tới 5% số người trả lời cho biết họ đã sử dụng Cổng DVCQG cho các mục đích khác nhau và khoảng 3% đã thiết lập hồ sơ người dùng trên Cổng này.

Trong số các tỉnh/thành phố trong nhóm tứ phân vị "cao", 6 tỉnh/thành phố thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và 6 tỉnh/thành phố thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Các tỉnh/thành phố trong số 14 địa phương trong nhóm tứ phân vị "thấp" thuộc các vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, và Đồng bằng sông Cửu Long. Đáng chú ý là khoảng cách trong hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2022 giữa nhóm điểm cao nhất và thấp nhất có xu hướng thu hẹp, có nghĩa là theo đánh giá của người dân, hiệu quả quản trị và hành chính ở nhiều tỉnh/thành phố không tăng so với năm 2021.

So với kết quả PAPI năm 2021, 33 tỉnh/thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; 18 tỉnh/thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương và 30 tỉnh/thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số Quản trị điện tử.

Tuy nhiên, 29 tỉnh/thành phố giảm sút đáng kể ở Chỉ số Quản trị môi trường, 18 tỉnh/thành phố giảm sút đáng kể ở Chỉ số Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, và 18 tỉnh/thành phố giảm sút đáng kể ở Chỉ số Cung ứng dịch vụ công./.

Chuyên đề