26% nhà đầu tư Việt Nam thay đổi chiến lược đầu tư trước lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các yếu tố được nhà đầu tư Việt Nam quan tâm hàng đầu bao gồm: lạm phát (36%), nguy cơ suy thoái kinh tế (21%) và biến động của kinh tế thế giới (18%).
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Đây là kết quả công bố trong Báo cáo Wealth Expectancy 2022 của Ngân hàng Standard Chartered nghiên cứu những thay đổi trong các quyết định đầu tư của hơn 15.000 nhà đầu tư thuộc phân khúc thu nhập trung bình, thu nhập cao và có giá trị tài sản ròng cao tại 14 thị trường (trong đó có Việt Nam), cùng với sự dịch chuyển trong các lớp tài sản chính.

Theo kết quả khảo sát, 80% các nhà đầu tư trong nước đang chủ động quản lý tài sản và thay đổi chiến lược đầu tư trước những thách thức kinh tế hiện nay.

Vượt qua lạm phát

Báo cáo cho biết, các yếu tố được quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư Việt Nam bao gồm: lạm phát (36%), nguy cơ suy thoái kinh tế (21%) và biến động của kinh tế thế giới (18%). Trong khi đó, việc lạm phát gia tăng (34%), nguy cơ suy thoái (27%) và biến động của kinh tế thế giới (22%) cũng là những lo ngại chính của các nhà đầu tư trên thế giới.

Trong năm vừa qua, các nhà đầu tư trong nước đã có những thay đổi về tài chính. Ví dụ như đưa ra những quyết định mới về danh mục đầu tư (26%) và cắt giảm chi tiêu (25%), đây là những lý do chính dẫn đến sự dịch chuyển trong các lớp tài sản chính.

Để có kết quả đầu tư cao hơn tỷ lệ lạm phát, 61% các nhà đầu tư trên thế giới đang tìm cách để giảm nắm giữ tiền mặt, con số này ở Việt Nam là 62%. Ngân hàng Standard Chartered dự báo, lượng phân bổ tiền mặt toàn cầu sẽ giảm từ 26% trong năm 2022 xuống 15% trong năm 2023, căn cứ theo phản hồi của các nhà đầu tư.

Các nhà đầu tư đang xem xét lại việc nắm giữ cổ phiếu trước sự gia tăng của biến động thị trường, mặc dù đây vẫn là một phần không thể thiếu trong các danh mục đầu tư. Dựa trên các câu trả lời tham gia khảo sát, trong số những người đang đầu tư vào cổ phiếu, tỷ lệ phân bổ vào cổ phiếu trong danh mục đầu tư tại Việt Nam giảm từ 10,9% xuống 7,5% trong năm 2023.

Báo cáo cho biết, năm nay, vàng tiếp tục là kênh đầu tư được nhiều nhà đầu tư Việt Nam quan tâm, với 57% cho biết đầu tư vào vàng do tình hình lạm phát. Ngoài ra, để đối phó với lạm phát của năm 2022, 49% nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu giá trị và 44% quan tâm đến trái phiếu.

Các khoản đầu tư bền vững sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm cũng như nguồn vốn của các nhà đầu tư. Hơn một nửa các nhà đầu tư trên thế giới (52%) dự kiến sẽ tăng các khoản đầu tư bền vững của mình vào năm 2023. Tỷ lệ này ở Việt Nam là 54%.

Tài sản kỹ thuật số tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư

Khảo sát cho thấy, 73% các nhà đầu tư trong nước vẫn tin rằng, các tài sản kỹ thuật số chiếm một phần quan trong trong bất kỳ danh mục đầu tư nào, mặc dù thị trường này phải đối mặt với nhiều vấn đề trong năm 2022.

Hiện nay, 66% các nhà đầu tư trên thế giới nắm giữ tài sản kỹ thuật số; trong khi đó, ở Việt Nam, con số này là 80%.

Nhìn về tương lai, 74% các nhà đầu tư trong nước tham gia khảo sát cho hay, họ sẽ tiếp tục tăng đầu tư vào các tài sản kỹ thuật số trong năm 2023. Trong đó, 41% các nhà đầu tư cho rằng, đây là cách tốt để đa dạng hóa danh mục đầu tư và 33% nhà đầu tư nhận thấy nhiều người kiếm được lợi nhuận đáng kể từ các tài sản kĩ thuật số.

Tuy nhiên, cần lưu ý là cuộc khảo sát này được thực hiện trước khi FTX sụp đổ và các sự kiện diễn ra trong vài tuần qua có thể làm ảnh hưởng tâm lý này.

Điểm đáng chú ý, 62% các nhà đầu tư trên thế giới được khảo sát chủ yếu tự quản lý tài chính, nhưng giữa các thị trường sẽ có sự khác biệt. 33% nhà đầu tư tại Việt Nam sử dụng dịch vụ của các nhà quản lý tài sản chuyên nghiệp. Trung bình tại 14 thị trường, 63% các nhà đầu tư trẻ (tuổi từ 18 - 35) cần nhờ đến sự hỗ trợ của các nhà quản lý chuyên nghiệp, trong khi tỷ lệ này ở các nhà đầu tư trên 55 tuổi là 39%. Nhìn chung các nhà đầu sử dụng dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp có các danh mục đầu tư đa dạng hơn và nắm giữ nhiều khoản đầu tư bền vững hơn.

Chuyên đề