Xuất khẩu xác lập kỷ lục mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khép lại năm 2021 đầy khó khăn, thách thức với diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch bệnh Covid-19 nhưng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn trở thành một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu năm qua ước đạt hơn 336 tỷ USD là mức cao nhất đạt được từ trước tới nay.
Trong năm 2021, Việt Nam có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ảnh: Lê Tiên
Trong năm 2021, Việt Nam có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ảnh: Lê Tiên

Từ “gần như tuyệt vọng” thành thắng lớn

Chia sẻ tại cuộc gặp mặt báo chí công bố kết quả kinh doanh năm 2021, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may (Vinatex) cho biết, năm 2021 tưởng chừng là một năm “tuyệt vọng” với Tập đoàn nhưng cuối cùng đã thắng lớn.

Doanh thu hợp nhất cả năm 2021 của Vinatex ước đạt hơn 16.400 tỷ đồng, bằng 110,7% so với năm 2020. Trong đó, lợi nhuận hợp nhất ước đạt 1.200 tỷ đồng, bằng 202% so với năm trước và đặc biệt là cao hơn gần 70% so với năm 2019 (năm trước đại dịch) nhờ hoạt động xuất khẩu phục hồi và tăng trưởng ấn tượng.

Kết quả ấn tượng này của Vinatex được ông Hiếu chỉ ra là do từ tháng 10/2021, Chính phủ nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, thay đổi chính sách “zero Covid” sang thích ứng an toàn với dịch với việc ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Các doanh nghiệp trở lại hoạt động, kết hợp một số thị trường lớn mở cửa cùng sự trở lại làm việc của người lao động giúp Ngành tăng trưởng trở lại.

Cùng với Vinatex, nhiều doanh nghiệp dệt may khác như: Tổng công ty CP May 10; Tổng Công ty may Đáp Cầu… cũng có kết quả kinh doanh năm 2021 rất ấn tượng nhờ hoạt động xuất khẩu tăng trưởng khá.

Số liệu của Hiệp hội Dệt may cho thấy, bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19, ngành dệt may đã khép lại một năm tăng trưởng ấn tượng. Kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may cán đích 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020.

Đối với ngành gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, những năm gần đây ngành này có bước phát triển và mang tính bứt phá. Theo đó, gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng năm nay xuất khẩu vẫn tăng trưởng, đạt 16,5 tỷ USD, tăng gần 20% so với năm trước.

Làm rõ hơn bức tranh tươi sáng của hoạt động xuất khẩu Việt Nam trong bão dịch, Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước. Đây là con số cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 88,71 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 247,54 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 73,6%.

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trọng hơn nữa đến các thị trường ngách; đẩy mạnh chuyển đổi số; đầu tư khoa học công nghệ cũng như không ngừng đổi mới sáng tạo… nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Trong năm 2021 có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,7%). Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: điện thoại các loại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; dệt may; giầy dép các loại…

Thị trường xuất khẩu được mở rộng. Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, gần như tất cả các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như: CPTPP, EVFTA… đều có sự tăng trưởng.

Triển vọng sáng nhưng có thể không suôn sẻ

Dự báo về triển vọng thị trường năm 2022, tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2021, hầu hết các chuyên gia kinh tế cũng như doanh nghiệp đều dự báo, triển vọng kinh tế khu vực và thế giới năm 2022 sẽ tích cực hơn. Thương mại toàn cầu sẽ hồi phục nhanh và dự báo đến cuối năm 2022 sẽ quay về mốc trước đại dịch.

“Lý do là kinh tế thế giới đang trên đà hồi phục, nhu cầu tiêu dùng tăng lên; doanh nghiệp xuất khẩu thích ứng tốt hơn với tình hình dịch bệnh, các chuỗi cung ứng đã được điều chỉnh để phù hợp,… Nói chung là có nhiều yếu tố cầu sẽ ổn định trong năm 2022”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tin tưởng.

Về phía cung, Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, năng lực của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong các ngành như: gỗ; dệt may… ngày càng tăng lên, sẵn sàng cung cấp sản phẩm ra thị trường. Khi nguồn cầu và cung sẵn sàng thì công tác xúc tiến thương mại phải được triển khai tốt để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong năm tới.

Tuy vậy, ông Khánh cũng chỉ ra, xuất khẩu năm 2022 có thể có không ít thách thức khi dịch bệnh Covid-19 được dự báo vẫn phức tạp, biến chủng mới có thể tiếp tục xuất hiện. Vì vậy, sự phục hồi của xuất khẩu là có, nhưng có thể không suôn sẻ, có thể sẽ bấp bênh.

Để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, hướng tới xuất khẩu bền vững, Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu ý thức hơn nữa đến việc tạo ra các sản phẩm xanh, sạch đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Cơ quan xúc tiến thường mại cần phải nỗ lực hơn để nâng cao hiệu quả công tác này dựa trên các kế hoạch xúc tiến thương mại trung hạn và dài hạn với những giải pháp căn cơ, hướng tới xuất khẩu bền vững. Cùng với đó, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thuế… giúp doanh nghiệp thuận lợi trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trọng hơn nữa đến các thị trường ngách; đẩy mạnh chuyển đổi số; đầu tư khoa học công nghệ cũng như không ngừng đổi mới sáng tạo… nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh, cũng cần nghiên cứu kịch bản cho cơ chế xử lý tranh chấp trực tuyến với các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.

Chuyên đề