Xuất khẩu tự tin bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2024, cầu thế giới tiếp đà phục hồi, nhất là các thị trường xuất khẩu (XK) chủ lực của doanh nghiệp (DN) Việt Nam như: Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu… đã tạo hứng khởi cho DN XK trong nước thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đạt nhiều kết quả ấn tượng.
Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực lấy lại đà tăng trưởng. Ảnh: Tiên Giang
Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực lấy lại đà tăng trưởng. Ảnh: Tiên Giang

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm qua ước đạt gần 800 tỷ USD - kỷ lục mới sau gần 40 năm Đổi mới, đóng góp quan trọng vào bức tranh tăng trưởng kinh tế đất nước. Với đà tăng trưởng này, nhiều DN lạc quan cho biết, đã sẵn sàng để bứt phá trong năm 2025.

Xuất khẩu nhiều ngành hàng tăng trưởng mạnh mẽ

“Năm 2024 là một năm ngành nông nghiệp gặt hái thành quả với sự bứt phá cả về sản xuất và XK”, ông Võ Văn Hưng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không giấu niềm vui khi phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Công Thương.

Ông Hưng cho biết, năm 2024, kim ngạch XK nông - lâm - thủy sản ước đạt gần 63 tỷ USD, tăng trên 18% so với năm 2023, với 11 mặt hàng tiếp tục duy trì kim ngạch XK trên 1 tỷ USD. Trong đó, 7 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 16,1 tỷ USD; rau, quả 7,1 tỷ USD; gạo 5,7 tỷ USD; cà phê 5,4 tỷ USD; hạt điều 4,3 tỷ USD; tôm 3,8 tỷ USD; cao su 3,2 tỷ USD). Đặc biệt, XK rau, quả, gạo, cà phê, hạt điều và hạt tiêu đều đạt mức tăng trưởng hai con số (cà phê tăng 56,9%, hồ tiêu tăng 53,3%, cao su tăng 24,6%, gạo tăng 10,6%).

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, đây là năm thắng lớn của ngành hàng rau quả, ước tính kim ngạch XK rau quả năm nay đạt 7,1 - 7,2 tỷ USD, tăng 1,6 tỷ USD so với năm 2023, lập kỷ lục mới nhờ khai thác tốt nhiều thị trường tiềm năng như: Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, UAE… và các thị trường mới liên tục được mở rộng. “Đây là kết quả rất tự hào với ngành rau quả nói riêng và các ngành kinh tế có tham gia XK của Việt Nam nói chung, qua đó khẳng định uy tín, chất lượng hàng hóa của Việt Nam ngày càng được nâng cao, được khách hàng trên thế giới tin dùng và lựa chọn”, ông Nguyên bày tỏ.

Cùng với nông nghiệp, XK trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo cũng đạt kết quả ấn tượng. Theo Bộ Công Thương, năm 2024, mặc dù tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, song sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhanh và trên diện rộng, là động lực dẫn dắt tăng trưởng. Trong đó, nhóm công nghiệp chế biến phục hồi mạnh, đóng góp chính vào kim ngạch XK chung của cả nước (chiếm gần 85%). Đặc biệt, các nhóm hàng XK chủ lực vốn gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 đã lấy lại đà tăng trưởng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt kim ngạch XK 71,7 tỷ USD, tăng 25%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 53,9 tỷ USD, tăng 2,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 52,6 tỷ USD, tăng 22%; dệt may đạt 37 tỷ USD, tăng 11,2%; giày dép các loại đạt 22,9 tỷ USD, tăng 13%...

Về thị trường, kim ngạch XK tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn đều có sự phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng cao. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường XK lớn nhất, tiếp đến là Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Kết quả XK tích cực đã kéo cán cân thương mại năm 2024 thặng dư gần 25 tỷ USD, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Doanh nghiệp sẵn sàng bứt tốc

Về triển vọng thị trường XK năm 2025, nhiều DN nhận định có nhiều cơ hội song khó khăn, thách thức vẫn rất lớn. Tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến khó lường; thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục tác động nặng nề; cạnh tranh gia tăng, các nước phát triển áp dụng nhiều tiêu chuẩn, quy định mới, khắt khe hơn về chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu; giá cước vận tải biển chưa có xu hướng hạ nhiệt… có thể ảnh hưởng tới hoạt động XK.

Thương mại toàn cầu đối mặt với nhiều rủi ro như: xung đột tại Trung Đông, Nga - Ukraine, các chính sách bảo hộ, đặc biệt là nguy cơ xung đột thương mại lan rộng và leo thang khi Mỹ nâng thuế và các nước trả đũa (như đã từng xảy ra trong nhiệm kỳ trước của ông Donald Trump).

Một số thị trường XK chủ lực của Việt Nam phục hồi chậm, trong đó có thị trường Mỹ (do Chính phủ Mỹ không còn nhiều dư địa chính sách tài khóa để kích thích tăng trưởng kinh tế sau thời gian dài thắt chặt tiền tệ, việc tăng thuế như dự kiến sẽ làm tăng lạm phát, chính sách kiểm soát chặt nhập cư gây áp lực cho thị trường lao động, chuỗi cung ứng) và thị trường Trung Quốc (do nguy cơ xung đột thương mại với Mỹ)…

Tuy vậy, ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) nhận định, kinh tế Việt Nam phục hồi rõ nét trong năm 2024 sẽ là tiền đề thuận lợi cho năm 2025. Kết cấu hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, nhất là hệ thống đường cao tốc và đường điện, tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối và phát triển kinh tế. Khung thể chế hoàn thiện hơn với việc sửa đổi các luật như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu... Đây là những yếu tố thuận lợi để XK bứt tốc, quan trọng nhất là DN Việt đã sẵn sàng để thúc đẩy tăng trưởng XK.

Hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 8%, Bộ Công Thương đề xuất nâng các chỉ tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại năm 2025. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 9 - 10% so với năm 2024, XK hàng hóa tăng khoảng 12%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 10%.

Từ góc độ DN, bà Phạm Thị Phương Hoa, Tổng giám đốc Tổng công ty May Hưng Yên lạc quan, năm 2025 dự báo có nhiều khởi sắc hơn trong hoạt động sản xuất của May Hưng Yên, đơn hàng hiện đã có đủ cho đến tháng 6/2025, giá cơ bản giữ như năm 2024.

“May Hưng Yên đặt kế hoạch tổng doanh thu 616 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 60 tỷ đồng, chia cổ tức 15 - 20%, phấn đấu tăng từ 2 - 3 lần tỷ lệ làm hàng FOB so với năm 2024”, bà Hoa cho biết.

Trong bối cảnh cầu thị trường thế giới có nhiều thay đổi, nhất là xu thế XK xanh, XK bền vững, để thích ứng, đại diện May Hưng Yên cho biết, Tổng công ty xác định phải tự đổi mới, tập trung vào nguồn lực con người và công nghệ, hướng đến quản trị, quản lý bằng công nghệ số để đảm bảo hiệu suất cao nhất, giảm ách tắc tốt nhất. Toàn hệ thống quyết liệt triển khai công nghệ số, phù hợp với thực tiễn và xu hướng toàn cầu, không ngồi chờ giải pháp tối ưu mới làm mà “vừa chạy vừa xếp hàng”, đồng thời thu hút cán bộ trẻ có trình độ tham gia điều hành, vận hành hệ thống.

Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công cho hay, Công ty đã lấp đầy đơn hàng cho quý I/2025 và chuẩn bị tiếp đơn hàng cho quý II năm sau, kỳ vọng mang lại giá trị cao cho cổ đông, người lao động.

Được biết, bên cạnh XK những sản phẩm truyền thống, Dệt may Thành Công cũng như nhiều DN may khác đã và đang đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm tái chế, sản phẩm có giá trị cao, đầu tư cho thiết kế theo yêu cầu của khách hàng nhằm nâng cao chuỗi giá trị, thiết kế nhãn hàng riêng để mở rộng khách hàng và các thị trường mới.

Với sự chủ động của DN, nhiều ý kiến chia sẻ niềm tin 2025 sẽ tiếp tục là năm bứt tốc của hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là XK.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư