Cơ cấu nhập khẩu 8 tháng chủ yếu là nhóm hàng tư liệu sản xuất. Ảnh: Lê Tiên |
Nhập siêu tiếp tục tăng
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, trong tháng 8, ước tính cả nước nhập siêu 1,3 tỷ USD, kéo mức nhập siêu 8 tháng tăng lên 3,71 tỷ USD.
Như vậy, tháng 8 là tháng thứ 4 liên tiếp cán cân thương mại của Việt Nam thâm hụt sau một thời gian dài liên tục xuất siêu. TS. Phạm Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại thuộc Bộ Công Thương cho rằng tình trạng này chưa đáng lo, do hàng hóa nhập siêu là để phục vụ sản xuất hàng nội địa và hàng xuất khẩu.
“Nếu chống dịch Covid-19 tốt, không để làm đứt gãy chuỗi cung ứng thì nhập siêu không quá quan ngại. Hơn nữa, các sản phẩm Việt Nam sản xuất ra đến thời điểm này thế giới vẫn đang có nhu cầu lớn, nhất là những mặt hàng có hàm lượng kỹ thuật cao như điện tử, điện thoại, linh kiện máy tính...”, ông Thắng nhìn nhận.
Tổng cục Thống kê cho biết, cơ cấu nhập khẩu 8 tháng chủ yếu là nhóm hàng tư liệu sản xuất, ước tính đạt 204,16 tỷ USD, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng là 96,6 tỷ USD, tăng 27,2%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu là 107,56 tỷ USD, tăng 41,6%.
Nhìn vào cơ cấu hàng nhập khẩu, ông Thắng cho rằng, với một nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào như Việt Nam, trong trạng thái bình thường, khi nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào tăng cao thì đó là dấu hiệu cho thấy sản xuất đang tăng tốc. Song trong bối cảnh hiện nay, nhập siêu dù được đánh giá là “chưa đáng lo” nhưng cũng rất đáng lưu ý khi dịch bệnh lan vào các “cứ điểm” sản xuất hàng XK là các khu công nghiệp, khu kinh tế lớn.
Sớm khống chế dịch, không để đứt gãy chuỗi sản xuất
Kết quả một cuộc khảo sát vừa được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) công bố cho thấy, nguy cơ gãy đổ chuỗi sản xuất, XK thủy sản đang hiện hữu. Các doanh nghiệp (DN) chế biến tôm tại Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu - ba địa phương dẫn đầu về sản lượng tôm - đều phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên không chỉ việc lưu thông hàng hóa, mua bán con giống, thu hoạch tôm gặp khó khăn, mà các nhà máy cũng phải giảm công suất chế biến 60 - 70%, thiếu hụt công nhân, chi phí tăng cao. Với ngành hàng cá tra, ước tính công suất hoạt động của toàn ngành chỉ từ 10 - 20%...
Đối với DN dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, nhiều khả năng ngành dệt may năm nay lỡ hẹn với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 39 tỷ USD. Theo ông Giang, thời điểm hiện tại, tỷ trọng các nhà máy phải đóng cửa lên tới 30 - 35%, đặc biệt là những DN nhỏ và vừa vì không chịu nổi chi phí sản xuất “3 tại chỗ”, trả lương hỗ trợ cho người lao động…
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty CP May 10 cho biết, dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất của DN. DN ngành may rất khó duy trì chuỗi cung ứng. Khi không duy trì được chuỗi cung ứng sẽ mất luôn đơn hàng trong cả mùa sản xuất.
Dự báo về tình hình XK năm 2021, nhiều chuyên gia và DN nhận định sẽ khó khăn. Tuy nhiên, kim ngạch XK 8 tháng đầu năm ước tính đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước là chỉ dấu đáng mừng cho thấy XK vẫn giữ đà tăng trưởng.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho rằng rất khó dự báo về kết quả XK của Việt Nam năm 2021 bởi phụ thuộc lớn vào kết quả khống chế dịch bệnh. Song với tiềm lực, kinh nghiệm tích lũy được trong thời gian qua cộng với những thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và uy tín mà DN đã thiết lập được, XK sẽ nhanh chóng lấy lại đà phục hồi trong thời gian tới.
Để thúc đẩy XK, các chuyên gia nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh thực hiện các biện pháp nhằm sớm khống chế dịch bệnh; thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đồng bộ hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, phục hồi, nắm bắt các cơ hội khi nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang trên đà phục hồi. Khai thác tốt thị trường Mỹ và EU đang tái mở cửa.
Được biết, Bộ Công Thương đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường XK cho DN, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn DN chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách...