Xuất khẩu phục hồi rõ nét, đồng đều

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong những điểm sáng của kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 là kim ngạch xuất khẩu (XK), nhập khẩu (NK) hàng hóa đạt kết quả tích cực, trong đó XK tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Với đà này, nhiều khả năng tăng trưởng XK năm nay sẽ vượt mốc 6% (tương ứng 377 tỷ USD) được Bộ Công Thương đặt ra.
Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 189,5 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Lê Tiên
Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 189,5 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Lê Tiên

Bức tranh tươi mới

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa nửa đầu năm 2024 ước đạt 369,6 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó XK ước đạt 189,5 tỷ USD, tăng 14,2%; NK ước đạt 180,2 tỷ USD, tăng 18,1%.

XK tăng trưởng mạnh và đồng đều ở các nhóm hàng. Kim ngạch nhóm nông, thủy sản tăng trưởng ở mức cao, ước đạt 19,9%. Các mặt hàng công nghiệp XK chủ lực tiếp tục phục hồi tốt như: gỗ và sản phẩm từ gỗ ước đạt 7,4 tỷ USD, tăng 22,2%, dệt may ước đạt 16,3 tỷ USD, tăng 3,1%... Kim ngạch XK nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản ước đạt 2,14 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.

Thị trường XK cũng phục hồi tốt, nhất là các thị trường XK lớn của nước ta như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU)…, góp phần kéo kim ngạch XK nửa đầu năm tăng.

Trong khi đó, NK hàng hóa cũng có điểm sáng khi 88% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu (tương đương hơn 160 tỷ USD) trong 6 tháng đầu năm 2024 là nhóm hàng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, 6 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,63 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,44 tỷ USD).

Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, bức tranh xuất nhập khẩu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm có sắc màu tươi mới, đó là tốc độ tăng kim ngạch XK hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước đạt 20,6%, cao hơn nhiều tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 12,3% của khu vực FDI.

Đặc biệt, theo ông Lâm, xuất siêu 6 tháng đạt 11,63 tỷ USD cho thấy vai trò, vị thế của kinh tế Việt Nam trong hoạt động thương mại quốc tế và năng lực của nền kinh tế trong việc củng cố và thúc đẩy động lực tăng trưởng dựa vào XK, giữ vững ổn định vĩ mô thông qua gia tăng nguồn lực ngoại tệ trong bối cảnh giá trị đồng USD tăng, tạo thêm dư địa để giữ ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.

Về phía doanh nghiệp, chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết, nửa đầu năm 2024 tuy khá vất vả, nhưng bù lại thành quả đáp ứng kỳ vọng. Sao Ta ghi nhận doanh số đạt 95 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023, hoàn thành 45% kế hoạch đặt ra.

Triển vọng sáng nửa cuối năm

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương nhận định, nhiều khả năng tăng trưởng XK năm 2024 có thể vượt mốc 6%. Môi trường kinh doanh quốc tế những tháng cuối năm tiếp tục có những diễn biến khó lường, bất định, song theo ông Phú, cơ bản các thị trường XK lớn của nước ta như: Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ… đều có dấu hiệu khởi sắc, theo đó nhu cầu về hàng hóa NK cũng tăng. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, xây dựng thương hiệu nhằm khai thác, thúc đẩy XK.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, nửa cuối năm thường là giai đoạn cầu thị trường tăng mạnh. Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch XK bình quân đạt 31,68 tỷ USD/tháng. “Nếu duy trì được xu thế này trong nửa cuối năm 2024, tổng kim ngạch XK hàng hóa năm nay ước đạt 380,16 tỷ USD, vượt mốc lịch sử 371,82 tỷ USD của năm 2022”, ông Lâm nhận định.

Thông tin từ các cơ quan thương vụ Việt Nam cũng cho thấy, đang có nhiều cơ hội để thúc đẩy XK.

Theo đại diện thương vụ Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, 6 tháng đầu năm 2024 kinh tế Trung Quốc khởi sắc. Quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc tăng trưởng tốt là cơ hội thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy XK. Đặc biệt, 6 tháng cuối năm 2024 là thời gian có nhiều kỳ nghỉ, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa như: thủy sản, trái cây, sản phẩm chế biến… của Trung Quốc sẽ tăng. Vì thế, các doanh nghiệp cần tận dụng để khai thác XK. Tuy nhiên, đại diện thương vụ tại thị trường Trung Quốc cũng lưu ý, Trung Quốc là thị trường lớn, mỗi địa phương có văn hóa ẩm thực khác nhau, do đó, các DN cần nghiên cứu kỹ lưỡng để có biện pháp khai thác hiệu quả…

Với Hoa Kỳ, ông Trần Minh Thắng, Trưởng chi nhánh thương vụ Việt Nam tại San Francisco cho biết, đây là thị trường XK lớn hàng đầu của Việt Nam. Dự kiến, tháng 11 tới, nhiều doanh nghiệp quy mô lớn của nước này sẽ sang tìm hiểu thị trường Việt Nam… Đây là cơ hội thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy XK.

Tuy nhiên, ông Thắng mong muốn những “điểm nghẽn” trong hoạt động XK từ Việt Nam cần sớm được tháo gỡ kịp thời. “Quả vải là một trong những mặt hàng nông sản tươi XK chính ngạch vào Hoa Kỳ. Muốn XK vào được thị trường này thì phải được chiếu xạ. Hiện cả nước chỉ có 2 trung tâm chiếu xạ đặt tại TP.HCM. Do đó, hàng hóa XK lại phải chuyển từ miền Bắc vào, vừa tốn thời gian cũng như chi phí, chất lượng cũng không được bảo đảm …”, ông Thắng cho biết.

Để không bỏ lỡ cơ hội phục hồi của thị trường, thúc đẩy XK, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng GDP về đích, ông Nguyễn Hoàng Long, Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cũng như cơ quan xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu chủ động, đổi mới sáng tạo để thúc đẩy XK phát triển. Đặc biệt, cần có những nghiên cứu chuyên sâu, kiến nghị xác đáng để giúp doanh nghiệp tận dụng hiệu quả cơ hội và thực hiện đầy đủ cam kết từ các FTA trong bối cảnh tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật với hàng hóa XK ngày càng khắt khe...

Góp ý thêm, ông Lâm cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về xuất nhập khẩu; thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ DN gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng Việt trên thị trường quốc tế.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư