Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục khởi sắc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023, tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2024 vừa được Tổng cục Thống kê cập nhật cho thấy, hoạt động xuất khẩu (XK) hàng hóa tiếp tục khởi sắc. Đơn hàng XK của nhiều doanh nghiệp (DN) gia tăng tạo thêm động lực, hứng khởi thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Tiên Giang
7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Tiên Giang

Đơn hàng dồi dào, tiếp tục xuất siêu

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 7, XK hàng hóa trên phạm vi cả nước tiếp đà tăng ấn tượng, đạt 35,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 7 tháng năm 2024, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, XK của khu vực kinh tế trong nước 7 tháng qua đạt mức tăng trưởng ấn tượng 21,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ cấu nhóm hàng XK chủ yếu là công nghiệp chế biến, ước đạt 199,94 tỷ USD, chiếm 88,1% tổng kim ngạch XK.

Trong lĩnh vực dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, nửa đầu năm nay, kim ngạch XK toàn ngành ước đạt 20 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng đơn đặt hàng hiện ghi nhận tăng mạnh.

Thông tin về tình hình đơn hàng của DN, bà Trần Thị Hà, Tổng giám đốc Công ty Pro Sport Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, DN đã có đơn hàng XK đến hết năm 2024 và kế hoạch đơn hàng XK quý I/2025 cũng đang được lấp đầy.

Tương tự, Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công cho hay, Công ty đã nhận khoảng 90% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý III/2024 và đạt khoảng 86% kế hoạch doanh thu đơn hàng quý IV/2024.

Với nhóm hàng nông sản, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, nhóm hàng này tiếp tục kéo dài đà tăng trưởng. 7 tháng qua, kim ngạch XK rau quả tăng mạnh, ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số thị trường nhập khẩu hàng đầu rau quả Việt Nam như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ… tăng trưởng từ 15% đến 96% với các sản phẩm chính là: sầu riêng, thanh long…

Trong ngành thép, dù thị trường còn nhiều khó khăn, nhưng DN thép không ngừng nỗ lực tìm giải pháp phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đơn cử, ngày 29/7 vừa qua, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát đã ký hợp đồng cung cấp 2.000 vỏ container 20DC cho Hapag-Lloyd - hãng vận tải container lớn nhất nước Đức và thuộc Top 5 công ty vận tải container của thế giới. Sự kiện này không chỉ mở ra cơ hội hợp tác chiến lược, tăng doanh thu XK, mà còn khẳng định container “made in Vietnam” đáp ứng tiêu chuẩn tại các thị trường khó tính nhất. Thông qua đó, Hòa Phát góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong ngành sản xuất container toàn cầu và lĩnh vực vận tải quốc tế.

Về thị trường XK, Bộ Công Thương cho hay, XK hàng hóa Việt Nam tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn như: Mỹ, EU… đều phục hồi tốt, đạt mức tăng trưởng hai con số.

Với bức tranh sáng của hoạt động XK, cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng đầu năm nay ước tính xuất siêu 14,08 tỷ USD.

Củng cố động lực tăng trưởng xuất khẩu

Cuộc khảo sát vừa được Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố nhân kỷ niệm 4 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực cho thấy, động lực tăng trưởng XK của Việt Nam được củng cố. EuroCham cho biết, EVFTA đã thúc đẩy đáng kể kim ngạch XK của Việt Nam sang châu Âu, từ 35 tỷ EUR vào năm 2019 lên hơn 48 tỷ EUR vào năm 2023. Sự tăng trưởng thể hiện rõ trong các lĩnh vực như điện tử, dệt may, giày dép, nông sản và hải sản.

Từ nền tảng này, có cơ sở để tin tưởng hoạt động thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU bước vào năm thứ 5 thực hiện EVFTA sẽ tiếp tục khởi sắc.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, TS. Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại thuộc Bộ Công Thương cho biết, trong những tháng gần đây, nhập khẩu nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất được đẩy mạnh (riêng tháng 7 nhập khẩu hàng hóa tăng 24,7%; 7 tháng tăng 18,5%) cho thấy hoạt động XK hàng hóa thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao. Lý do là, nhìn sâu vào cơ cấu nhóm hàng NK, có thể thấy phần lớn (93,9%) là nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất.

Về thị trường XK, theo ông Phương, nếu Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường thì đây là tin tốt với hoạt động XK. “DN XK Việt Nam sẽ đỡ bị phiền hà trong các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM), nhất là trong các vụ kiện chống bán phá giá. Lý do là, trong các vụ kiện PVTM, nếu bị coi là nền kinh tế phi thị trường thì phải sử dụng dữ liệu của nước thứ ba (có cùng trình độ phát triển) để so sánh. Điều này gây bất lợi, thiệt thòi cho DN trong nước do không phản ánh đúng thực tế sản xuất kinh doanh của DN Việt Nam”, ông Phương phân tích.

Nếu được công nhận là nền kinh tế thị trường, khi hàng hóa Việt Nam đối mặt với vụ kiện PVTM, Bộ Thương mại Mỹ sẽ sử dụng chi phí sản xuất của Việt Nam để tính toán, sẽ công bằng hơn, tăng khả năng cạnh tranh, lợi thế cho DN XK Việt Nam.

Trên cơ sở đó, nhiều nền kinh tế khác cũng sẽ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, thúc đẩy thương mại và đầu tư tiếp tục khởi sắc, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế…

Nhằm củng cố động lực tăng trưởng XK, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ để giúp DN thúc đẩy XK như: theo dõi sát diễn biến thị trường để đề xuất giải pháp phù hợp; đa dạng thị trường XK; phát triển dịch vụ logistics; tăng cường thông tin, phổ biến kiến thức về PVTM…

Chuyên đề