Xuất khẩu gạo dự báo đạt 4,5 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong 10 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo, trị giá đạt gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân ước đạt 558 USD/tấn, tăng 15,3% so cùng kỳ năm 2022. Bộ Công Thương ước tính, năm nay Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo, với kim ngạch khoảng 4,5 tỷ USD, đây là con số cao nhất từ trước đến nay.

Về cơ cấu thị trường xuất khẩu gạo theo khu vực, 9 tháng năm 2023, thị trường khu vực châu Á chiếm 76% tổng lượng gạo xuất khẩu (tăng 31,6%), châu Phi chiếm gần 17% tổng lượng gạo xuất khẩu (tăng 10,8%), châu Mỹ và châu Âu lần lượt chiếm 1,5% và 1,6% tổng lượng gạo xuất khẩu, châu Úc có sự tăng trưởng mạnh (17,5%) so với cùng kỳ chiếm 2,41% tổng lượng gạo xuất khẩu.

Philippines tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2023, đạt gần 2,5 triệu tấn, chiếm 38,1% tổng lượng gạo xuất khẩu, tăng 0,8%. Indonesia đứng thứ hai, đạt 884,3 nghìn tấn, chiếm 13,7% trong tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước (tăng đột biến gần 17 lần về lượng và kim ngạch).

Từ tháng 8 vừa qua, giá gạo tăng đột biến do một số yếu tố tác động đến như lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và một số quốc gia khác.

Giá gạo xuất khẩu được dự báo vẫn ở mức cao và không thể giảm xuống dưới 640 - 650 USD/tấn. Nguyên nhân là do lượng lúa gạo trên thế giới đang khan hiếm dần, còn Việt Nam đang nắm giữ cơ hội về xuất khẩu gạo. Theo tính toán, nhu cầu của các nước trên thế giới rất nhiều, trong đó có các thị trường truyền thống Philippines, Indonesia hay Trung Quốc.

Trong khi đó, nhận định năm sau cho thấy, thị trường lúa gạo tiếp tục sôi động khi một số quốc gia tăng cường nhập khẩu để đảm bảo an ninh lương thực. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, dù thị trường thế giới đang căng thẳng về nguồn cung, nhưng các loại gạo thơm, chất lượng cao vẫn là lựa chọn ưu tiên.

Chuyên đề