Xuất khẩu đứng trước nhiều áp lực

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục xu hướng tích cực bất chấp những khó khăn, thách thức do dịch Covid-19, chi phí vận chuyển cũng như chi phí đầu vào sản xuất liên tục tăng cao... Với đà tăng trưởng này, nhiều chuyên gia nhận định, không khó để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu (XK) 8% trong năm nay. Tuy nhiên, hoạt động XK cũng đứng trước nhiều rủi ro.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa cả nước ước tính xuất siêu 516 triệu USD. Ảnh: Lê Tiên
Trong 5 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa cả nước ước tính xuất siêu 516 triệu USD. Ảnh: Lê Tiên

Động lực tăng trưởng

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch XK hàng hóa tháng 5/2022 ước đạt 30,48 tỷ USD, giảm 8,5% so với tháng trước. Ước tính 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch XK hàng hóa đạt 152,81 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu nhóm hàng XK, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất với 88,6% tổng kim ngạch XK. Thị trường XK hàng hóa lớn nhất trong 5 tháng đầu năm là Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, ASEAN…

Về nhập khẩu (NK), kim ngạch NK hàng hóa tháng 5/2022 ước đạt 32,21 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng, kim ngạch NK hàng hóa ước đạt 152,29 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng được NK nhiều nhất là tư liệu sản xuất, chiếm 93,9% tổng kim ngạch NK.

Như vậy, trong 5 tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa cả nước ước tính xuất siêu 516 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,24 tỷ USD). Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục khởi sắc, đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội.

Một số chuyên gia thương mại đánh giá, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, kết quả xuất nhập khẩu của Việt Nam, nhất là XK tiếp tục tăng trưởng là một trong những điểm sáng đáng chú ý, tạo động lực thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế.

“Đây là kết quả tương đối tốt, qua đó cho thấy các doanh nghiệp (DN) đã tận dụng được tăng trưởng của thế giới, nhất là các nước đối tác để thúc đẩy XK hàng hóa”, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhìn nhận.

Lo ngại rủi ro gia tăng

Nhận định về khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng XK 8% trong năm 2022, TS. Võ Trí Thành cho rằng tương đối khả thi. Tuy vậy, hoạt động này sẽ đối mặt với không ít rủi ro.

Theo ông Thành, tăng trưởng kinh tế thế giới đang có dấu hiệu giảm tốc, nhất là các nước đối tác lớn của Việt Nam. Bên cạnh đó, dù dịch Covid-19 đã đỡ phức tạp hơn, nhưng khó khăn vẫn còn, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn xảy ra… Hoạt động XK từ nay tới cuối năm sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 1/6 về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) lo ngại, tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI vẫn lớn nhất trong cấu trúc thương mại của Việt Nam. Điều này phản ánh XK phụ thuộc nhiều vào khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời tạo ra bất trắc tiềm ẩn cho nền kinh tế khi nhiều nước lớn có xu hướng bảo hộ thương mại...

Về năng lực của DN XK trong nước, ông Minh bày tỏ: “Năng lực cạnh tranh của DN trong nước còn hạn chế, thiếu sự liên kết giữa DN trong nước và DN FDI. DN trong nước nhìn chung vẫn chưa đủ mạnh để tham gia sâu, rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) chỉ ra điểm yếu chưa được khắc phục là các yếu tố đầu vào của sản xuất, đầu ra của nhiều loại sản phẩm hàng hóa vẫn còn phụ thuộc lớn vào một thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cho rằng, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị leo thang; giá cước vận tải ở mức cao tạo thêm khó khăn cho hoạt động XK. Việc triển khai các gói kích thích kinh tế của Chính phủ sẽ kích thích tăng trưởng nhưng đồng thời gia tăng áp lực lạm phát…, tác động tiêu cực đến hoạt động XK những tháng cuối năm.

Để tiếp tục thúc đẩy XK, củng cố động lực tăng trưởng kinh tế, ông Phương đề nghị, cần có giải pháp thích hợp mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa, thị trường vốn quốc tế và trong nước.

Để tăng năng lực cho DN trong nước, đại biểu Nguyễn Duy Minh đề xuất, khuyến khích DN trong nước mở rộng kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực chế tạo và công nghệ cao để củng cố nền tảng công nghiệp trong nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, khuyến khích DN FDI sử dụng nguồn lao động chất lượng cao người Việt Nam. Mặt khác, tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo các DN FDI sử dụng đúng và có hiệu quả nguồn lực cũng như đảm bảo cam kết đầu tư.

Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị sản xuất bám sát diễn biến, nhu cầu thị trường, thúc đẩy sản xuất trong nước thay thế cho nhu cầu nhập khẩu trong bối cảnh mặt bằng giá cả thế giới tăng cao; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát thủ tục để giảm chi phí cho DN...

Chuyên đề