Xuất khẩu có tín hiệu khởi sắc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trừ năm 2009 ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, 8 tháng đầu năm 2023 là thời điểm hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa của Việt Nam gặp nhiều khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây khi kim ngạch XNK giảm mạnh. Tuy nhiên, đà sụt giảm đang chậm lại và cầu thị trường đang dần hồi phục, mở ra hy vọng cho những tháng cuối năm.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Xuất khẩu tăng trở lại

Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, các biện pháp tích cực và đồng bộ của nhiều bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất trong nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường XK đã tiếp đà khởi sắc cho hoạt động XNK trong tháng 8 và 8 tháng năm 2023.

Trong tháng 8, tổng kim ngạch XNK hàng hóa ước đạt 60,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 8 tháng, tổng kim ngạch XNK hàng hóa ước đạt 435,23 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước.

TS. Võ Trí Thành nhìn nhận, sự sụt giảm này là do cầu thị trường thế giới suy giảm kể từ quý IV/2022 tới nay. Tuy nhiên, mức giảm này đang chậm lại so với những tháng trước.

Cụ thể, kim ngạch XK hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng 7. Nhìn vào con số XK các tháng trước, có thể thấy kim ngạch XK đang tăng dần (tháng 5 đạt 29,05 tỷ USD; tháng 6 đạt 29,3 tỷ USD; tháng 7 đạt 29,68 tỷ USD). Một số mặt hàng XK có lợi thế của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt như: rau quả, hạt điều, cà phê, gạo, thủy sản...

Tuy nhiên, tính chung 8 tháng, XK hàng hóa ước đạt 227,71 tỷ USD, vẫn giảm tới 10% so với cùng kỳ năm trước. Điểm đáng chú ý là đà sụt giảm ở một số nhóm hàng đã chậm lại và ghi nhận những tín hiệu khả quan. Một số tổ chức, DN cho biết, đơn hàng quốc tế của một số ngành hàng như: dệt may, thủy sản, hồ tiêu, gỗ, da giầy... đã quay trở lại.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 8 tháng năm 2023, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch XK (có 5 mặt hàng XK trên 10 tỷ USD, chiếm 58,4%).

Về nhập khẩu (NK), trong bối cảnh cầu thị trường thế giới phục hồi chậm, kim ngạch NK hàng hóa tháng 8 ước đạt 28,55 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước và giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch NK hàng hóa ước đạt 207,52 tỷ USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm trước, cơ cấu nhóm hàng NK có gần 94% là tư liệu sản xuất.

Cán cân thương mại xuất siêu 20,19 tỷ USD là một điểm sáng trong 8 tháng qua và là con số kỷ lục đạt được trong 40 năm Đổi mới.

Cần hợp sức nắm bắt cơ hội

Nhìn sâu vào con số xuất siêu 8 tháng năm 2023, TS. Võ Trí Thành cho rằng, trước hết đây là điều đáng mừng, bởi xuất siêu cao góp phần tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá, thể hiện sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam gia tăng. Tuy nhiên, ông Thành lo lắng: “Xuất siêu cao trong bối cảnh cả XK và NK đều giảm, nhưng NK giảm mạnh hơn, trong khi hàng hóa NK chủ yếu là tư liệu sản xuất cho thấy, hoạt động kinh doanh vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, khó ở cả 2 đầu”.

TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) bày tỏ, con số xuất siêu cao trong 8 tháng có mặt tích cực song không đáng mừng. Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng có tăng nhưng mức tăng rất chậm, không đồng đều giữa các địa phương. Cũng trong 8 tháng, số DN rút lui khỏi thị trường vẫn rất cao, với 124.684 DN, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự báo về tình hình thị trường thời gian tới, ông Phương nhận định, thị trường thế giới có thể phục hồi chậm, nhưng song hành với nhiều yếu tố bất ổn, khó lường như giá lương thực liên tục biến động tăng cao; nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao khiến cầu tiêu dùng giảm mạnh, nhất là những thị trường là đối tác thương mại lớn của Việt Nam; xu hướng phi toàn cầu hóa đang trỗi dậy mạnh mẽ... có thể tác động tới hoạt động XK của DN những tháng cuối năm.

“Hoạt động XNK, trong đó có XK sẽ tiếp tục phục hồi, nhưng tốc độ chậm”, ông Phương dự báo và cho rằng, nếu cầu thị trường không tăng đột biến, chỉ tiêu tăng trưởng XK năm 2023 không thể đạt được (tăng khoảng 6%). Mặc dù vậy, đà phục hồi sẽ là điều kiện thuận lợi để DN đẩy mạnh XK thời gian tới.

Trong một chia sẻ gần đây, VinaCapital bày tỏ lạc quan về triển vọng XK của Việt Nam. Theo VinaCapital, đang có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy XK sẽ phục hồi trong quý IV/2023, bởi lượng đơn đặt hàng dần được cải thiện, nhiều tập đoàn đa quốc gia đang tăng tốc chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam...

Trong 8 tháng năm 2023, thu hút vốn FDI tiếp tục khởi sắc với 18,15 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam. Đây sẽ là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy sản xuất trong nước cũng như hoạt động XK thời gian tới.

Để nắm bắt cơ hội, các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, hơn lúc nào hết, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt, thực chất hơn các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước cùng với thúc đẩy xúc tiến thương mại, phát triển thị trường XK nhằm đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực để đẩy mạnh XK... DN cũng cần chủ động tái cơ cấu, nâng cao sức cạnh tranh trên thương trường.

Chuyên đề