Xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để đảm bảo các cuộc thanh tra có chất lượng, góp phần hiệu quả vào công tác phòng, chống tham nhũng, thời gian qua, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã phối hợp với Kiểm toán Nhà nước, các lực lượng thanh tra bộ, ngành xử lý dứt điểm những bất cập, chồng chéo, trùng lặp trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp (DN).
Hoạt động thanh tra, kiểm tra năm 2021 được kỳ vọng không còn chồng chéo, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: Tiên Giang
Hoạt động thanh tra, kiểm tra năm 2021 được kỳ vọng không còn chồng chéo, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: Tiên Giang

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng TTCP cho biết, năm 2020, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, TTCP đã tập trung chỉ đạo, đề ra phương án điều hành linh hoạt công tác của ngành để ứng phó với đại dịch, xây dựng định hướng, kế hoạch thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, điều chỉnh triển khai kế hoạch thanh tra đối với DN. Theo đó, hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra đã được cải thiện rõ rệt. Một số đơn vị đã thí điểm thực hiện công tác thanh tra theo phương thức mới như: Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thanh tra trực tuyến…

Để hạn chế chồng chéo, trùng lặp trong thanh tra, kiểm tra DN, Thanh tra Bộ Tài chính, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế đã kiến nghị TTCP đề xuất Thủ tướng Chính phủ quy định rõ một số cơ quan chuyên ngành thực hiện kiểm tra thường xuyên DN theo hướng không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm; chỉ đạo các cơ quan trung ương phối hợp UBND tỉnh xử lý trùng lặp, chồng chéo khi thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra DN.

TTCP cho biết, trên cơ sở kế thừa các quy định pháp luật hiện hành về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, TTCP đang xây dựng Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), trong đó tiếp tục hoàn thiện các quy định liên quan đến xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và quy định chặt chẽ sự phối hợp trong hoạt động, chỉ đạo giữa các cơ quan trung ương và địa phương.

Thanh tra Bộ Tài chính cũng đề nghị TTCP cho thanh tra các bộ, ngành được tham gia trong cuộc họp bàn thống nhất kế hoạch thanh tra, kiểm toán hàng năm giữa TTCP và Kiểm toán Nhà nước nhằm xử lý chồng chéo trong xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm toán.

Mặt khác, Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ nêu: “Trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chỉ ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng…”. Như vậy, khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng thì cơ quan có thẩm quyền được ra quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất để tránh tình trạng các DN có vi phạm nhưng không bị xử lý dẫn đến buông lỏng quản lý.

Riêng đối với việc xử lý chồng chéo trong xây dựng kế hoạch năm 2021, TTCP cho biết, TTCP và Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức cuộc họp để bàn giải pháp. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước đã gửi Dự thảo Kế hoạch kiểm toán năm 2021 lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi trình Quốc hội thông qua. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng chương trình thanh tra năm 2021, TTCP tiếp tục tổ chức họp với thanh tra các bộ, ngành trung ương để xử lý chồng chéo trong việc xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2021. Kết quả đã xử lý một số cuộc thanh tra do TTCP tiến hành có sự chồng chéo, trùng lặp với một số bộ, ngành trung ương.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ của ngành thanh tra năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, sau khi DN có kiến nghị về việc chồng chéo trong thanh tra, thời gian qua, TTCP đã kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan nỗ lực từ việc xây dựng thể chế, chính sách đến việc xử lý trong triển khai thực hiện, tạo thuận lợi cho DN hoạt động, khơi thông nguồn lực phát triển của đất nước. Trong bối cảnh mới đầy khó khăn, thách thức, Thủ tướng Chính phủ đề nghị TTCP tăng cường chỉ đạo cơ quan thanh tra các cấp, các ngành bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, góp phần tích cực vào ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Chuyên đề