Sau khi tiếp thu ý kiến của các bộ ngành, Bộ Tài chính đã xóa bỏ nhiều nội dung tại dự thảo Luật quản lý thuế sửa đổi.
Bỏ phương án cơ quan thuế thu bảo hiểm xã hội
Tại dự thảo Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đề xuất cơ quan thuế sẽ tiến hành thu các khoản bảo hiểm bắt buộc đối với đơn vị sử dụng lao động để cải cách thủ tục hành chính một cách mạnh mẽ, giảm chi phí tuân thủ cho đơn vị sử dụng lao động; giảm chi phí quản lý của cơ quan quản lý nhà nước; cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp đã phản bác nội dung này.
Theo đó, ba bộ này cho rằng, Luật Bảo hiểm xã hội đã quy định thẩm quyền tổ chức thực hiện thu bảo hiểm xã hội thuộc về cơ quan bảo hiểm xã hội, nên đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại nội dung này, tránh tình trạng chồng chéo, không thống nhất giữa các luật và văn bản hướng dẫn thi hành.
Đồng quan điểm, Bộ Tư pháp nhận định thêm, việc chuyển đổi, sáp nhập chức năng thu bảo hiểm xã hội vào cơ quan thuế sẽ ảnh hưởng lớn đến việc sắp xếp bộ máy của hai cơ quan, số lượng lao động điều chuyển sau khi chuyển đổi mô hình.
Từ đó, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính có đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng đối với chính sách trên để đảm bảo tính khả thi trong quá trình tổ chức thực hiện. Mặt khác, cần làm rõ thu các khoản bảo hiểm xã hội mang tính chất bắt buộc có phải thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật quản lý thuế hay không?
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến các bộ ngành, Bộ Tài chính quyết định bỏ phương án cơ quan thuế thu bảo hiểm xã hội. Cơ quan thuế chỉ phối hợp ở mức độ trao đổi, cung cấp thông tin và phối hợp thành lập đoàn kiểm tra, thanh tra chuyên ngành để thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và thuế đối với tổ chức trả thu nhập và cá nhân.
Bỏ nội dung cấm chủ doanh nghiệp xuất cảnh
Tại dự thảo Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung chính sách dừng việc xuất cảnh đối với chủ doanh nghiệp, chủ tịch và thành viên hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, trưởng ban quản trị hợp tác xã... ngừng hoạt động không thực hiện thủ tục giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Tư pháp đề nghị không bổ sung chính sách này, vì việc thực hiện thủ tục giải thể, phá sản không thuộc phạm vi của Luật Quản lý thuế.
Do đó, chỉ có thể dừng việc xuất cảnh đối với người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam khi chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo thông báo của cơ quan quản lý thuế.
Bộ Tư pháp cũng cho rằng, việc bổ sung chính sách trên sẽ dễ gây ra sự nhầm lẫn giữa trách nhiệm của pháp nhân với trách nhiệm của cá nhân.
Tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đã không bổ sung thêm nội dung này mà giữ nguyên Điều 53 như quy định hiện hành.
Bác đề xuất định doanh nghiệp phá sản 5 năm được xóa nợ thuế
Bộ Tài chính đề xuất bổ sung chính sách: trường hợp người nộp thuế ngừng kinh doanh, giải thể quá 5 năm thì được xóa nợ tiền thuế, thay vì 10 năm như hiện nay.
Nhưng Bộ Tư pháp cho rằng, nếu xây dựng chính sách này sẽ không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, khuyến khích người nộp thuế chây ỳ để qua 5 năm được xóa nợ sau đó lại tiếp tục nợ thuế. Việc xóa nợ này chỉ làm "đẹp" sổ sách của cơ quan thuế mà không có chế tài đối với người nộp thuế.
Ghi nhận ý kiến, Bộ Tài chính cho biết sẽ giữ nguyên quy định hiện hành.
Giữ nguyên quy định hiện hành về xóa nợ thuế cá nhân
Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi chính sách xử lý xóa nợ với các trường hợp là cá nhân đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội và để thống nhất giữa Luật doanh nghiệp và Luật Quản lý thuế.
Trong khi đó, các bộ ngành khác cho rằng, việc làm này là cần thiết nhưng phải đảm bảo những đối tượng trên không có tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp, tránh trường hợp các đối tượng còn tài sản mà lại không phải thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước.
Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến này và quyết định sẽ giữ nguyên nội dung chính sách như hiện nay.
Không thêm thành viên ban quản lý chợ vào Hội đồng tư vấn thuế
Tại Dự thảo, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung đại diện Ban quản lý chợ, trung tâm thương mại vào thành phần Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn để hoạt động có hiệu quả hơn.
Song Bộ Tư pháp cho rằng, báo cáo tổng kết thi hành Luật quản lý thuế mới chỉ ra thành phần của Hội đồng tư vấn chưa phù hợp và cơ chế tư vấn chuyên môn cho cơ quan thuế chưa được quy định dẫn đến nhiều vụ việc khiếu nại, khiếu kiện từ cấp cơ sở chưa được giải quyết dứt điểm.
Bộ Tư pháp nêu quan điểm, để giải quyết được khó khăn, vướng mắc thì phải đánh giá về kết quả hoạt động của Hội đồng này như thế nào? có hiệu quả hay không? Thành phần hội đồng này nếu bổ sung thêm Ban quản lý chợ, trung tâm thương mại thì có tăng năng lực, hiểu biết chuyên môn về thuế để tư vấn chuyên môn cho cơ quan thuế hay không?
Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính có đánh giá cụ thể hơn về chính sách này để đảm bảo hiệu quả hoạt động của Hội đồng tư vấn thuế và không phát sinh thêm chi phí cho ngân sách nhà nước.
Tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp và ý kiến của các bộ ngành, Bộ Tài chính quyết định không bổ sung thành phần Ban quản lý chợ, trung tâm thương mại vào Hội đồng tư vấn thuế, xã, phường, thị trấn.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, dự kiến hoàn chỉnh lại dự thảo theo hướng quy định cụ thể các nội dung về nguyên tắc hoạt động, chế độ làm việc, quan hệ công tác giữa cơ quan thuế với hội đồng tư vấn thuế và chính quyền địa phương.