Tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nếu giá dầu giảm sâu. Ảnh: Tất Tiên |
Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2016, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, các nhà dự báo kinh tế của Việt Nam luôn đặt những biến động về tỷ giá và tiền tệ là vấn đề trọng tâm, tác động đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2016. Tuy nhiên, những biến động khó lường của giá dầu và thị trường chứng khoán trong những ngày đầu năm đã khiến cho chúng ta phải “đặt thêm sự quan tâm”.
Hồi phục nhờ sản xuất công nghiệp
Tại Hội thảo Khoa học quốc gia về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2015 - Cơ hội và thách thức trước thềm hội nhập vừa được Ban Kinh tế Trung ương và Trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp tổ chức, PGS. TS. Tô Trung Thành thuộc Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã có những đánh giá khả quan về sự phục hồi của kinh tế Việt Nam trong năm 2015. Theo ông, những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế chủ yếu đến từ tăng trưởng của ngành xây dựng và công nghiệp, của tiêu dùng cuối cùng gia tăng và vai trò ngày càng quan trọng của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Thông tin của Nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Kinh tế quốc dân cho thấy, trong cơ cấu ngành sản xuất, tăng trưởng của ngành công nghiệp và xây dựng tăng mạnh từ 6,42% năm 2014 lên 9,64% năm 2015; cùng với đó tỷ trọng của tiêu dùng cuối cùng vẫn đóng vai trò lớn nhất trong các thành tố chi tiêu của GDP (duy trì mức trên 70% trong các năm, trong khi tốc độ tăng tiêu dùng cuối cùng lên đến 9,12%, trở thành động lực chính cho tăng trưởng).
Bên cạnh đó, sự phục hồi còn được thể hiện ở việc lạm phát được giữ ở mức thấp, cán cân thanh toán tương đối ổn định, lãi suất ngân hàng giảm mạnh.
“Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang thiếu một số động lực cơ bản để vượt qua được những vùng trũng suy giảm và đạt được tăng trưởng bền vững như chất lượng tăng trưởng còn thấp, chưa có dấu hiệu cải thiện; tư duy về kinh tế nhà nước chưa có thay đổi trong thực tế; khu vực FDI mặc dù đang là động lực tăng trưởng ngắn hạn nhưng đóng góp vào tăng trưởng dài hạn còn rất hạn chế, trong khi khu vực kinh tế trong nước, đặc biệt là khu vực tư nhân, chưa có nhiều cơ hội phát triển”, PGS. TS. Tô Trung Thành nhận định.
Theo dõi sát biến động của giá dầu
Nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2016, TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao của Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cho rằng, biến động của giá dầu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế Việt Nam.
Trước những dự báo này, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị, Bộ Tài chính cần xây dựng thêm kịch bản phát triển kinh tế trong trường hợp giá dầu có thể giảm mạnh mẽ hơn nữa, ở mức 25 USD/thùng chẳng hạn. Với mức giá dầu này, kinh tế Việt Nam được dự báo có thể thất thu, tăng trưởng kinh tế có thể bị ảnh hưởng, giảm tăng đối với thị trường chứng khoán.
Song ở mặt đối lập, khi Việt Nam là một quốc gia nhập siêu xăng dầu từ năm 2008 đến nay thì giá dầu giảm sẽ mang lại lợi nhuận trong việc giảm chi phí đầu vào, giúp sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn, áp lực cho lạm phát được giảm bớt… “Điều quan trọng là việc chủ động ứng phó và xây dựng kịch bản tăng trưởng trong trường hợp giá dầu sẽ tiếp tục còn giảm sâu là việc cần phải được tính toán trong năm 2016” – TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.